“Lỗ hổng” khiến hàng loạt khu đất vàng bị thâu tóm

Ban Thời sự-Thứ tư, ngày 29/07/2020 20:37 GMT+7

VTV.vn - Trong một thời gian dài, đất công được giao cho DNNN quản lý, chạy lòng vòng trong tay pháp nhân mới và rơi vào tư nhân, kéo theo khoản thất thoát khổng lồ cho ngân sách.

Hàng loạt lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các cấp đã vướng vào vòng lao lý liên quan đến những mảnh đất vàng.

Thủ đoạn thâu tóm "đất vàng"

Khu đất hơn 6.000m2, nằm ở uận 1, nhìn ra sông Sài Gòn. Khi thực hiện phương án sắp xếp, xử lý lại các cơ sở nhà đất thuộc sở hữu nhà nước, mảnh đất ở 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng được giao cho Tổng Công ty Sabeco để kinh doanh, thương mại, văn phòng... Thế nhưng với hàng loạt thao tác hợp thức hóa từ Bộ Công Thương cho đến UBND TP.HCM và các sở ban ngành, chủ sở hữu của khu đất này đã hoàn toàn thuộc về tư nhân với giá siêu rẻ.

Những khu đất vàng từ 2 mặt tiền giáp các tuyến đường trung tâm ở Quận 1 hay Quận 3, thậm chí như khu đất của Tổng công ty Sabeco, 4 mặt tiền. Mỗi một khu đất, số tiền thất thoát của nhà nước lên đến hàng nghìn tỷ đồng. Để thâu tóm được những khu đất vàng, các đối tượng đã dùng thủ đoạn, mánh khóe tinh vi.

“Lỗ hổng” khiến hàng loạt khu đất vàng bị thâu tóm - Ảnh 1.

Chủ sở hữu của khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng đã hoàn toàn thuộc về tư nhân với giá siêu rẻ.

Sau khi có phương án sắp xếp đất công, các đối tượng sẽ thực hiện liên doanh, liên kết với doanh nghiệp tư nhân thành lập pháp nhân mới để thực hiện dự án. Các đối tượng sẽ xin thoái phần vốn nhà nước, mà thực chất là bán lại phần vốn nhà nước với giá rẻ để từng bước dịch chuyển quyền sử dụng đất sang cho doanh nghiệp tư nhân.

Để dịch chuyển đất công sang đất tư, quy trình sẽ phải trải qua nhiều bước để giảm dần phần vốn của nhà nước. Thất thoát đất công nằm ở khâu định giá của các bước này, thường chỉ bằng một nửa, thậm chí là 1/3 so với kết quả của Hội đồng định giá tài sản Trung ương.

Thực tế từ những dự án sai phạm thời gian qua cho thấy, cơ quan quản lý chuyển đổi mục đích sử dụng hay chuyển nhượng thường đi tắt và bỏ qua nhiều quy trình thủ tục, cố tình áp dụng không đúng các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng nhà, đất công. Đồng thời tận dụng chủ trương cổ phần hóa, đưa đất công ra khỏi DNNN với giá rẻ bằng một pháp nhân mới.

Tham nhũng từ định giá đất công

Vậy cụ thể đất vàng định giá thế nào? Bao nhiêu tiền? Và ngân sách nhà nước đã mất đi bao nhiêu từ thủ đoạn biến đất công thành đất tư?

Sai phạm tại khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng của Tổng công ty Sabeco, giá trị thu được từ khu đất nộp vào ngân sách nhà nước là hơn 1.100 tỷ đồng. Trong khi Hội đồng thẩm định giá Trung ương xác định giá trị của khu đất này tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 3.800 tỷ đồng.

“Lỗ hổng” khiến hàng loạt khu đất vàng bị thâu tóm - Ảnh 2.

Khu đất 2 - 4 - 6 Hai Bà Trưng (màu xanh) có 4 mặt tiền, vị trí đắc địa nhất TP.HCM. (Ảnh: Dân trí)

Sai phạm tại khu đất 8 -12 Lê Duẩn, giá trị thu được từ khu đất nộp vào ngân sách nhà nước là gần 650 tỷ đồng. Trong khi Hội đồng thẩm định giá Trung ương xác định giá trị của khu đất này tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 2.600 tỷ đồng.

Sai phạm xảy ra tại dự án 37.000m2 của Tổng công ty Nông nghiệp Sài Gòn, Sagri, giá trị thu được từ khu đất nộp vào ngân sách nhà nước là gần 170 tỷ đồng. Trong khi Hội đồng thẩm định giá Trung ương xác định giá trị của dự án này tại thời điểm khởi tố vụ án là hơn 680 tỷ đồng

Lỗ hổng quản lý đất công

Ngân sách nhà nước thất thoát bởi sự bòn rút của những kẻ tham lam và vô liêm sỉ. Tuy nhiên nhìn ở góc độ pháp lý, các vụ án liên quan đến quản lý, sử dụng tài sản công, đặc biệt là đất công cho thấy quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở để các cá nhân lách luật thực hiện hành vi thâu tóm, làm giá gây thất thoát vốn, tài sản của nhà nước.

Để tránh thất thoát, lãng phí cho ngân sách nhà nước, việc bán tài sản trên đất và chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được thực hiện thông qua hình thức đấu giá theo quy định về pháp luật đất đai. Tuy nhiên, trên thực tế, các tác nhân sẽ sử dụng hình thức liên doanh, liên kết và định giá quyền sử dụng đất với giá rất thấp để góp vốn, sau đó khi thoái vốn sẽ áp dụng Luật kinh doanh bất động sản, để đấu giá cổ phần. Lúc này quyền sử dụng đất của nhà nước sẽ thuộc về tư nhân với giá rất rẻ mà không phải đấu giá.

“Lỗ hổng” khiến hàng loạt khu đất vàng bị thâu tóm - Ảnh 3.

Quy định của pháp luật còn nhiều kẽ hở để các cá nhân lách luật thực hiện hành vi thâu tóm, gây thất thoát vốn, tài sản của nhà nước.

Mô hình tổ chức và cơ chế thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước hiện còn nhiều bất cập. Việc chưa tách bạch được chức năng quản lý nhà nước với chức năng đại diện chủ sở hữu nhà nước cũng là một trong những lý do dẫn tới cấp hành chính trung gian phía trên can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp. Điều này có thể khiến các đối tượng lợi dụng để thâu tóm tài sản công.

Qua điều tra nhiều vụ án xảy ra tại một số nhà, đất công, Bộ Công an đánh giá còn có sự buông lỏng quản lý, kiểm tra, giám sát, đặc biệt là thiếu cơ chế hậu kiểm đối với nhà đất, công sản sau khi được sắp xếp. Đây cũng chính là lỗ hổng lớn dẫn tới tham nhũng, tiêu cực về đất đai trong thời gian qua.

TP.HCM sẽ công khai kết quả xử lý cán bộ sai phạm về đất đai TP.HCM sẽ công khai kết quả xử lý cán bộ sai phạm về đất đai

VTV.vn - TP.HCM sẽ công khai kết quả xử lý cán bộ sai phạm về đất đai. Đây là một trong những biện pháp hiệu quả giúp giảm tình trạng xây dựng trái phép, sai phép.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước