Lỗ hổng nhập khẩu, vị đắng mía đường?

VTV Digital-Thứ tư, ngày 12/05/2021 06:01 GMT+7

VTV.vn - Sau áp thuế tạm thời với đường Thái Lan, ngành mía đường trong nước vẫn kêu khó.

Hôm nay (12/5), Bộ Công Thương sẽ tổ chức phiên tham vấn công khai vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan. Mặc dù đã bị áp thuế tạm thời từ tháng 2 năm nay nhưng lượng đường nhập khẩu từ Thái Lan vẫn tăng mạnh so với trước khi có quyết định điều tra chống bán phá giá. Nhiều số liệu thống kê cho thấy đường nhập khẩu không giảm mà còn tăng và hệ quả, ngành sản xuất đường trong nước khó vẫn hoàn khó.

Cụ thể, Bộ Công thương bắt đầu điều tra vụ việc với ngành mía đường vào tháng 9 năm ngoái. Trải qua gần 5 tháng điều tra, quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời với mía đường Thái Lan được đưa ra với 2 mức (44,88% đường tinh luyện và 33,88% đối với đường thô).

Lỗ hổng nhập khẩu, vị đắng mía đường? - Ảnh 1.

Tuy nhiên, khi cuộc điều tra đang diễn ra thì ghi nhận cho thấy, 3 tháng cuối năm 2020, đường Thái Lan nhập vào Việt Nam vẫn cao ngất ngưởng với số lượng hơn 378,7 nghìn tấn. Đến tháng 2/2021, khi quyết định áp thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời được đưa ra, số lượng đường được các doanh nghiệp Việt Nam nhập về chủ yếu từ Thái Lan đạt khoảng 160.000 tấn, tăng khoảng 80% so với tháng trước đó.

Lỗ hổng nhập khẩu, vị đắng mía đường? - Ảnh 2.

Không chỉ tăng nhập khẩu về số lượng, Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho rằng có dấu hiệu lẩn tránh thuế, khi đường nhập khẩu từ các quốc gia ASEAN khác cũng tăng vọt.

"5 nước này vốn ko phải nước sản xuất đủ đường mà nhập khẩu đường Thái Lan là chính. Lượng đường bùng nổ nhập khẩu sau khi áp thuế có hiệu lực về bản chất vẫn là đường Thái Lan nhưng vẫn được áp thuế ATIGA - mức 5% - đấy là lý giải lượng đường nhập khẩu vẫn tăng cao sau quyết định áp thuế có hiệu lực- Và đây là dấu hiệu lẩn tránh thuế", ông Nguyễn Văn Lộc - Quyền Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam cho biết.

Hiện nay các doanh nghiệp đã nâng giá mía để khuyến khích nông dân quay lại với cây mía, trong khi đó, sản lượng đường sản xuất từ mía hiện nay không cao do diện tích mía giảm. Hai yếu tố này đã làm giá thành sản xuất đường rất cao khiến giá bán cao. Chính vì vậy, thực tế ngành đường trong nước vẫn đang phải đối mặt với khó khăn.

"Hiện nay đang phải tồn kho, rất nhiều nhà máy hiện nay đường để tồn kho tiền trả tiền mía cho nông dân cũng không đủ. Giá mía mua lên cao rồi, sẽ có 2 việc: Bí quá lại bán lỗ để có tiền trả tiền mía, không thì để tồn kho. Thực chất hoạt động lẩn tránh thuế đang hủy hoại mối liên kết giữa nhà máy và nông dân", ông Lộc cho biết thêm.

Lỗ hổng nhập khẩu, vị đắng mía đường? - Ảnh 3.

Hiệp hội Mía đường cho rằng cần sớm áp dụng mức thuế chính thức và phù hợp để doanh nghiệp sản xuất trong nước và người nông dân được hưởng lợi từ chính sách này

Bên cạnh đó, cũng có ý kiến cho rằng việc tách rời mức áp giá thuế chống bán phá giá ra làm 2 loại riêng biệt - chênh nhau đến 15% cũng tạo nguy cơ đẩy ngành mía đường nội địa vào tình thế khó khăn mới khi một số doanh nghiệp có thể tận dụng việc nhập khẩu đường thô giá rẻ từ Thái Lan về bán trong nước.

Vì vậy, Hiệp hội Mía đường cho rằng cần sớm áp dụng mức thuế chính thức và phù hợp để doanh nghiệp sản xuất trong nước và người nông dân được hưởng lợi từ chính sách này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước