Muôn kiểu buôn lậu đường cát qua biên giới đẩy ngành mía đường vào thế khó

P.V-Thứ ba, ngày 30/03/2021 18:51 GMT+7

VTV.vn - Đường cát lậu bắt đầu xâm nhập vào thị trường nước ta từ năm 1999 với khoảng 100 nghìn tấn. Tuy nhiên, những năm gần đây, lượng đường lậu vào Việt Nam càng tăng mạnh.

Chỉ tính riêng trong 9 tháng đầu năm 2019, lượng đường lậu ước tính đã lên đến mức trên 800 nghìn tấn. Đây là một trong những nguyên nhân đẩy doanh nghiệp và nông dân ngành mía đường trong nước lâm vào khó khăn.

Theo ước tính, trước đây cả nước có 41 nhà máy đường, đến niên vụ 2019 - 2020 chỉ còn 29 nhà máy hoạt động nhưng cầm chừng do thiếu nguyên liệu. Diện tích mía của cả nước từ 300 nghìn ha nay giảm xuống còn gần 160 nghìn ha. Khoảng hơn 300 nghìn hộ dân tham gia trồng mía nay cũng chỉ còn khoảng 170 nghìn người trồng .

Thủ đoạn tinh vi đưa đường lậu loạt qua ải hải quan, các lực lượng chức năng

Ông Đàm Thanh Thế - Chánh văn phòng Ban chỉ đạo (BCĐ) 389 quốc gia cho biết, các đối tượng buôn lậu mặt hàng đường cát thường sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi gây nhiều khó khăn trong việc ngăn chặn, xử lý. Thông thường, đường cát lậu được tập kết dọc biên giới Lào, Campuchia, sau đó dùng các phương tiện vận chuyển bằng đường bộ, đường thủy vào thị trường nội địa tiêu thụ.

Đường cát nhập lậu từ Thái Lan và Campuchia vào Việt Nam chủ yếu thông qua các tỉnh biên giới Tây Nam là Đồng Tháp, An Giang, Long An, Tây Ninh và Kiên Giang. Thậm chí, các đối tượng còn thường xuyên sử dụng thủ đoạn "hô biến" đường lậu thành đường xuất xứ Việt Nam bằng cách thay bao bì của đường lậu, thành đường nhãn mác Việt Nam.

Tại khu vực biên giới Tây Nam, nơi có sông ngòi chằng chịt thì giới buôn lậu bày đủ chiêu trò để qua mặt lực lượng chức năng. Trong những thời điểm nước lớn, chúng thường đưa đường cát đã được buộc kỹ càng rồi thả trôi theo dòng nước đến nơi tập kết mà đồng bọn chờ sẵn. Sau khi "nhận hàng" chúng sẽ dùng xe nhỏ chở đi phân phối, nếu bị phát hiện thì "bỏ của chạy lấy người".

Muôn kiểu buôn lậu đường cát qua biên giới đẩy ngành mía đường vào thế khó - Ảnh 1.

Lực lượng kiểm soát hải quan vây bắt một đối tượng chở đường nhập lậu. Nguồn: dantocmiennui.vn

Táo bạo hơn, khi lực lượng chức năng biên giới tăng cường tuần tra kiểm soát trên các tuyến đường thì các đối tượng buôn lậu lại "mở" các tuyến đường ngóc ngách khác để thoát đi. Những đường dây buôn lậu lớn còn chuyển sang dùng đường sông, đường biển sử dụng tàu lớn có sức chở hàng trăm tấn đường mỗi lần để đưa vào nội địa.

Theo BCĐ 389 tỉnh An Giang, tình trạng nhập lậu đường cát trên bộ tập trung tuyến Tịnh Biên - Châu Đốc; Vĩnh Ngươn - Châu Đốc và Vĩnh Xương - Tân Châu với phương tiện vận chuyển bằng xe gắn máy hai bánh chạy tốc độ cao; cất giấu, trà trộn trên các phương tiện chở khách và hàng hóa. Tuyến đường thủy có các tàu, thuyền (ghe) lợi dụng chở hàng hóa hợp pháp để cất giấu hàng lậu.

Địa bàn trọng điểm về buôn lậu: Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương; Đồn Biên phòng cửa khẩu Long Bình; Đồn Biên phòng Vĩnh Ngươn; Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên.

An Giang những năm qua luôn là cửa ngõ được giới buôn lậu tập trung "khai thác" bởi nơi đây có nhiều thuận lợi về giao thông kết nối với các tỉnh miền Tây cũng như đi các tỉnh phía Nam khác. Gần đây, cơ quan chức năng An Giang đã tăng cường kiểm tra, phát hiện và xử lý tốt tình trạng buôn lậu. Tuy nhiên, các cửa ngõ khác tại Kiên Giang, Quảng Trị, Long An, Bình phước, Tây Ninh, Đồng Tháp… tình trạng nhập lậu cũng diễn ra rất phức tạp. Để ngăn chặn kịp thời rất cần các cơ quan chức năng tại các tỉnh quyết liệt và mạnh mẽ hơn trong công tác điều tra và xử lý các đầu nậu đường lậu.

Muôn kiểu buôn lậu đường cát qua biên giới đẩy ngành mía đường vào thế khó - Ảnh 2.

Công an bắt giữ trên ghe có 2.000 bao tải chứa 100 tấn đường cát nhập lậu. Nguồn: Thanh niên.

Dùng tiểu xảo để lách luật qua mắt cơ quan chức năng

Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu đang dùng thủ đoạn tham gia đấu giá đường từ những đợt thanh lý hàng buôn lậu, sau đó sử dụng hồ sơ đó quay vòng cả năm cho các lô đường nhập lậu khác.

Do đó, các đối tượng này sẵn sàng đưa ra giá đấu thầu rất cao mà không ai có thể cạnh tranh được. Ngoài ra, các đối tượng buôn lậu còn đưa bao bì in trong nước sang bao ở nước ngoài (Campuchia), sau đó cho đường lậu khoác bao bì Việt Nam rồi ung dung nhập về.

Bên cạnh đó, đối tượng buôn lậu ngày càng trở nên manh động, không sợ lực lượng chức năng, thậm chí còn chống lại lực lượng thi hành công vụ để đòi người, đòi hàng khi bị bắt.

"Thời gian gần đây, các đối tượng buôn lậu cử người theo dõi sát sao hoạt động của các lực lượng chức năng để thông báo cho nhau, lợi dụng thời gian giao ca sẽ đưa hàng qua biên giới. Cá biệt, một số đối tượng buôn lậu ở khu vực biên giới thuộc TP.Châu Đốc thuê đất ruộng của người dân để mở đường vận chuyển hàng qua biên giới" - ông Huỳnh Ngọc Hồ, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường, Phó ban Chỉ đạo 389 tỉnh An Giang từng chia sẻ.

Muôn kiểu buôn lậu đường cát qua biên giới đẩy ngành mía đường vào thế khó - Ảnh 3.

Ông Huỳnh Ngọc Hồ - Phó cục trưởng Cục quản lý thị trường, phó BCĐ 389 tỉnh An Giang. Nguồn: doanhnghieptiepthi.vn

"Siết chặt" khe hở của đường cát lậu

BCĐ 389 quốc gia đánh giá, trong thời gian tới hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt hàng đường cát qua biên giới sẽ gia tăng trở lại, đặc biệt tại địa bàn các tỉnh biên giới Việt Nam – Campuchia.

Vì vậy, BCĐ 389 quốc gia vừa có công văn đề nghị Cơ quan Thường trực tham mưu Trưởng Ban Chỉ đạo 389 các bộ, ngành và địa phương chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường công tác phối hợp tuần tra, kiểm soát, nắm tình hình buôn lậu, vận chuyển nhằm kịp thời phát hiện, đấu tranh, bắt giữ và xử lý các hành vi buôn lậu, vận chuyển trái phép mặt đường cát qua biên giới. Cùng với đó, tăng cường kiểm tra, giám sát đối với mặt hàng đường cát nhập khẩu trên thị trường.

Muôn kiểu buôn lậu đường cát qua biên giới đẩy ngành mía đường vào thế khó - Ảnh 4.

Cán bộ, chiến sĩ Long Bình tuần tra, kiểm soát trên sông ngăn chặn tình trạng xuất nhập cảnh trái phép đang gia tăng.Nguồn:angiang.dcs.vn

BCĐ 389 quốc gia cũng đề xuất đưa yêu cầu truy xuất nguồn gốc mặt hàng đường thành yêu cầu bắt buộc đối với mọi cơ sở sản xuất chế biến đường. Hệ thống truy xuất cần kết hợp với công nghệ như sử dụng mã QR code nhằm giúp các cơ quan chức năng kiểm tra được tính hợp pháp và xuất xứ hàng hóa một cách nhanh chóng.

Đồng thời, yêu cầu tiến hành điều tra, xử lý nghiêm những công chức có hành vi bảo kê, tiếp tay cho buôn lậu và gian lận thương mại đường nhập lậu; tăng mức xử phạt với hành vi vi phạm...

Đặc biệt, trong thời gian tới cần ngăn chặn triệt để tình trạng lợi dụng hóa đơn chứng từ bán thanh lý đường nhập lậu bị tịch thu, hóa đơn mua bán đường trong nước để xoay vòng hóa đơn, sử dụng như "bùa hộ mệnh" cho các lô hàng đường nhập lậu khác vào Việt Nam.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước