Lỗ hổng thẩm định giá

Ban Thời sự-Thứ sáu, ngày 12/11/2021 20:45 GMT+7

VTV.vn - Nhiều ý kiến cho rằng pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định quá lớn, trong khi đó lại không có quy định nào về hậu kiểm kết quả thẩm định.

Từ khâu lựa chọn công ty tư vấn thẩm định giá đến kết quả thẩm định rồi hoạt động của Hội đồng thẩm định giá... đều có những lỗ hổng. Đó là thực tế từ sai phạm nghiêm trọng trong vụ đấu giá đất ở huyện Đông Anh, Hà Nội. 

Điều này cũng đang tồn tại trong hoạt động thẩm định giá trong hàng loạt vụ sai phạm về đấu giá, đấu thầu trong lĩnh vực y tế, giáo dục thời gian qua đều phát hiện những sai phạm của đơn vị thẩm định giá.

Thủ đoạn Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội thông đồng với cán bộ quản lý để được lựa chọn là đơn vị thẩm định giá đó là được hướng dẫn cách thức bốc thăm, vị trí ngồi gần để bốc được phiếu trúng. Sau đó, tiếp tục thông đồng với Ban quản lý dự án huyện Đông Anh để dìm giá. Hạ đến mức 200 tỷ đồng nhưng đối với công ty thẩm định không quá khó khăn.

Bị can Nguyễn Đức Phương - Công ty cổ phần tư vấn thẩm định giá và đầu tư Hà Nội nói: "Mức giá là do Tổng Giám đốc công ty thường xuyên có những ý kiến có chỉ đạo các nhân viên, cá nhân tôi cũng như các nhân viên khác trong công ty".

Lỗ hổng thẩm định giá - Ảnh 1.

Thẩm định giá - một khâu vô cùng quan trọng trong quản lý tài sản công. Ảnh minh họa.

Theo quy trình, Hội đồng thẩm định giá bao gồm các sở, ban ngành liên quan sẽ phải kiểm tra tính hợp pháp và các thông tin do công ty thẩm định sử dụng tại chứng thư thẩm định giá. Nghĩa là phải có căn cứ để xác minh lại hồ sơ. Trong nhiều vụ sai phạm về thẩm định giá, điều này chỉ là lý thuyết.

"Tất cả toàn bộ hồ sơ do đơn vị tư vấn đã khảo sát và Hội đồng đã dựa vào thông tin từ đơn vị thẩm định giá", ông Nguyễn Anh Dũng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh, Hà Nội cho biết.

Quy trình đưa ra tưởng rằng rất chặt chẽ, tuy nhiên thực tế khi việc rà soát hồ sơ, số liệu lại chỉ dựa vào thông tin của công ty thẩm định giá. Không có những khảo sát độc lập của các cơ quan trong Hội đồng thẩm định để đối chiếu thì những sai phạm xảy ra trong vụ án trên là điều dễ hiểu.

Thẩm định giá - một khâu vô cùng quan trọng trong quản lý tài sản công. Nhiều ý kiến cho rằng pháp luật đã trao quyền cho doanh nghiệp có chức năng thẩm định quá lớn, trong khi đó lại không có quy định nào về hậu kiểm kết quả thẩm định. Đây chính là một trong những lý do dẫn tới các sai phạm trong nhiều vụ án về đấu thầu, đấu giá thời gian qua.

"Quyền đấy phải gắn liền với tiêu chuẩn về đạo đức nghề nghiệp, có trung thực, độc lập, khách quan hay không. Làm sao cho đúng đắn với quy định của pháp luật cần phải có kiểm toán. Tốt nhất đơn vị khách quan là đơn vị kiểm toán vào hậu kiểm tất cả kết quả mà doanh nghiệp thẩm định giá đã làm phục vụ cho công tác đấu thầu và một số những hoạt động mua sắm tài sản từ Ngân sách nhà nước", ông Nguyễn Tiến Thỏa - Chủ tịch Hiệp hội Thẩm định giá Việt Nam cho hay.

Cố ý định giá thấp là điều kiện cho các đối tượng đấu giá tiếp tục thông đồng thu lợi bất chính. Như cách bị can Nguyễn Thị Loan - người nắm giữ nhiều doanh nghiệp có vốn hàng nghìn tỷ đồng đã làm là sử dụng nhân viên đại diện nhiều công ty để tham gia đấu giá, kết thúc đấu giá là hủy bỏ quyết định bổ nhiệm những nhân viên này.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước