Lo ngại quanh nội dung thoả thuận thương mại giai đoạn 1

Trung tâm Tin tức VTV24-Thứ tư, ngày 15/01/2020 10:07 GMT+7

VTV.vn - Dự kiến trong ngày hôm nay (15/1) theo giờ Mỹ, Mỹ và Trung Quốc sẽ ký kết thoả thuận thương mại giai đoạn 1.

Cả thị trường đang chờ đợi giây phút này. Và trước khi thoả thuận được ký, người ta đang đặt ra những câu hỏi như: thoả thuận sẽ bao gồm những gì? Và nó có lợi như thế nào cho hai bên?

Theo CNBC, theo tài liệu của Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ thì thoả thuận gồm "tăng mạnh số lượng xuất khẩu hàng hải sản, nông nghiệp và thực phẩm." Cùng lúc, Trung Quốc cũng sẽ chấm dứt các quy định yêu cầu các công ty nước ngoài phải chuyển giao công nghệ cho công ty Trung Quốc. Tóm lại, phía Trung Quốc sẽ mua khoảng 200 tỷ USD giá trị hàng xuất khẩu của Mỹ trong vòng 2 năm.

Trang tài chính của Fox phân tích thêm: không như thoả thuận mới với Mexico và Canada, lần này Tổng thống Trump có thể ký như một thoả thuận hành pháp để tránh phải đợi sự thông qua của Quốc hội. Bởi "theo Điều 301 trong Luật thương mại, Tổng thống Mỹ có thể ký thông qua khi coi đây là một thoả thuận hành pháp". Có nghĩa như một hợp đồng giữa 2 nước, chứ không phải một thoả thuận thương mại thông thường.

Như vậy thoả thuận thương mại bước 1 sẽ có thể được thông qua nhanh chóng nhờ việc sử dụng quyền của Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, một số chuyên gia không lo ngại về thời gian được thông qua, mà họ đang nghi ngại về các điều khoản.

Nhật Báo Phố Wall trích lá thư của lãnh đạo phe thiểu số ở Thượng viện Mỹ, Chuck Schumer gửi Tổng thống Mỹ rằng ông lo thoả thuận sẽ ít có lợi cho các công ty và công nhân Mỹ.

Theo ông này, thoả thuận chỉ khiến Trung Quốc mua thêm hàng hoá của Mỹ. Nhưng không nhắc nhiều tới việc Trung Quốc thực hiện các cải cách mà phía Mỹ đã đưa ra trước kia như mở cửa hơn với các công ty nước ngoài và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.

Còn tờ Thời báo New York tỏ ra nghi ngờ rằng với điều kiện hiện nay, Trung Quốc khó có thể hấp thu được số hàng hoá 200 - 300 tỷ trong vòng 2 năm. Điều này chỉ có thể xảy ra nếu Trung Quốc cắt giảm các nguồn cung khác, gây sức ép lên chính các nhà sản xuất nội địa và thay đổi quy định nhập khẩu. Ví dụ như với mục tiêu nhập khẩu năng lượng lên 50 tỷ USD trong 2 năm. Đây là mức tăng quá lớn khi nhập khẩu sản phẩm này trong cả 2 năm 2017, 2018 là 8 tỷ USD. Hay mua thêm 30 tỷ USD giá trị nông sản Mỹ sẽ khiến các nhà cung cấp nội địa Trung Quốc điêu đứng vì sức ép cạnh tranh.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước