Tại Trung Quốc, từ ngày 1/10, quy định về đất hiểm sẽ có hiệu lực. Theo đó tài nguyên đất hiếm thuộc sở hữu của Nhà nước, và được quản lý chặt chẽ nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên quốc gia và an ninh công nghiệp.
Nhiều chuyên gia cho rằng, đây là động thái đáp trả từ phía Trung Quốc trước những hạn chế thương mại và tiếp cận công nghệ cao mà Mỹ và phương Tây liên tục nhắm vào Trung Quốc.
Theo quy định mới, không cá nhân - tổ chức nào được xâm phạm hay phá hủy tài nguyên đất hiếm nhằm đảm bảo an ninh tài nguyên quốc gia và an ninh công nghiệp. Quy định này sẽ được áp dụng trong toàn bộ chuỗi cung ứng từ khai thác đến luyện kim, chế biến, phân phối và xuất khẩu. Nghĩa là xuất khẩu đất hiếm phải xin phép ngặt nghèo. Quy định nhấn mạnh, bất kỳ hoạt động bất hợp pháp nào liên quan đến đất hiếm sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Trung Quốc sẽ xây dựng một hệ thống thông tin truy xuất nguồn gốc sản phẩm đất hiếm để quản lý hiệu quả tình trạng khai thác và xuất khẩu bất hợp pháp.
Theo Cơ quan khảo sát địa chất Mỹ, Trung Quốc chiếm khoảng 70% sản lượng đất hiếm toàn cầu. Từ năm ngoái, Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu germanium và gallium - các nguyên tố quan trọng trong sản xuất chip. Trung Quốc cũng cấm xuất khẩu công nghệ làm nam châm đất hiếm và chiết xuất - phân tách đất hiếm. Các nguyên tố đất hiếm là vật liệu rất quan trọng cho sản xuất xe điện, đồ điện tử đến nhiều thiết bị quân sự như tia laser, tên lửa.
Những quy định mới thổi bùng lo ngại nguồn cung đất hiếm trên thế giới sẽ thiếu hụt, giá tăng mạnh cũng như gia tăng căng thẳng giữa Trung Quốc với Mỹ và phương Tây. Bởi Trung Quốc chiếm ưu thế và chi phối từ sản lượng đến công nghệ sản xuất đất hiếm. Việc siết chặt quản lý, xuất khẩu đất hiếm trong bối cảnh Mỹ, EU, nhiều nước phương Tây đang gia tăng mạnh đánh thuế xe điện của Trung Quốc.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!