Hiện tình trạng loạn giá không chỉ diễn ra đối với sản phẩm, dụng cụ y tế như kit test COVID-19 bán trên thị trường mà còn ở nhiều loại thiết bị, dịch vụ khác. Thậm chí, cùng 1 loại dịch vụ, ở những điểm cung cấp khác nhau mức giá có thể cao hơn 2 - 3 lần. Đó là phản ánh của báo Lao động.
Rõ ràng là ở không ít nơi đã xảy ra tình trạng khan hiếm kit test nhanh. Nhiều cá nhân đã đẩy giá bán lên cao để trục lợi từ nhu cầu kiểm tra sức khỏe của người dân. Báo Pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh đã đưa ra nhiều phân tích của các chuyên gia nhấn mạnh: Cần cấp bách đưa kit test COVID-19 vào bình ổn giá.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Trí Long, chuyên gia về giá, kit test COVID-19 là mặt hàng tác động và ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu là rất lớn nên các cơ quan chức năng cần vào cuộc. Nhà nước cần quản lý, phải xem xét từng loại kit test về nguồn gốc xuất xứ để có thể quy định mức giá trần. Điều này vẫn tạo ra sự cạnh tranh nhưng không được vượt quá mức cho phép.
Người dân đang quan tâm đến giá cả, nóng nhất là năng lượng như xăng dầu, gas và bộ xét nghiệm nhanh. Thế nhưng trong quản lý lại ứng xử khác nhau trước yêu cầu ổn định giá để giảm gánh nặng cho người dân. Nhiều biện pháp kìm đà tăng của giá xăng dầu đang được triển khai nhưng tại sao chưa thấy áp dụng cho bộ xét nghiệm? Báo Tuổi trẻ đặt câu hỏi.
Vẫn theo phân tích trên tờ Pháp luật thành phố Hồ Chí Minh, việc đưa kit test vào mặt hàng bình ổn giá đã có đủ cơ sở pháp lý và thực tiễn sinh động. Vậy nên với sự chậm chễ hiện nay, đề nghị các cơ quan chức năng trả lời rõ ràng cho người dân là khó ở chỗ nào và ai là người chịu trách nhiệm gỡ vướng bởi mục tiêu quản lý nhà nước, đồng thời cũng là yêu cầu của xã hội chính là: Không để bất cứ kẻ nào trục lợi trên những đồng tiền mồ hôi, nước mắt của người dân từ những bộ kit xét nghiệm đang nhảy múa về giá.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!