Thị phần đường sắt ngày càng thu hẹp
Lần đầu tiên đường sắt có được số tiền 7.000 tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa. Hệ thống đường sắt của Việt Nam có lịch sử 130 năm và là một trong những nước có hệ thống đường sắt hiện đại từ khá sớm so với các nước trong khu vực. Tổng chiều dài đường sắt của Việt Nam là khoảng 2.000 km nối liền các khu dân cư, trung tâm văn hóa, nông nghiệp và công nghiệp suốt từ Bắc vào Nam.
Từ khi mới hình thành, đường sắt được coi là loại hình vận tải "vàng", được người dân ưu tiên lựa chọn vì độ an toàn cao do được chạy một mình một đường. Qua thời gian, đến nay đường sắt Việt Nam chưa thể tạo ra một bước lột xác ngoạn mục so với thế kỷ trước.
Ví dụ toàn bộ trục đường chính tuyến Bắc - Nam giữ khổ đường chỉ 1 m, trong khi khổ đường chuẩn là hơn 1,4 m. Vốn dĩ chiếm tới gần 1/3 năng lực vận tải của toàn ngành giao thông, thế nhưng sau hơn 30 năm, đường sắt chỉ còn phục vụ chưa đến 2% nhu cầu vận chuyển toàn quốc.
Việc nâng cấp hệ thống đường sắt hiện tại sẽ giúp có thêm dư địa phát triển cho ngành. (Ảnh: NLĐ)
Đỉnh điểm năm 2020, thị phần vận tải của ngành đường sắt đang ở mức thấp nhất trong lịch sử khi chỉ chiếm chưa đầy 0,2% sản lượng vận chuyển hành khách và chỉ 1,2% sản lượng vận tải hàng hóa.
Với nguồn lực 7.000 tỷ đồng vừa được phê duyệt, nhiều người nói vui rằng: "Đường sắt từ một ông cụ, sẽ sớm có thể chạy đua với thanh niên", góp phần thay đổi cục diện cuộc đua của đường sắt với các loại hình vận tải khác, vốn không cân tài cân sức nhiều năm nay.
Đầu tư để tăng năng lực cho ngành đường sắt
7.000 tỷ đồng sẽ được phân thành 4 dự án, trong đó tập trung vào công tác nâng cấp các công trình thiết yếu đoạn Hà Nội - Vinh, Nha Trang - TP Hồ Chí Minh và gia cố các cầu yếu trên toàn tuyến đường sắt Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Theo kế hoạch, các dự án sẽ hoàn thành trong năm nay.
"Trong năm 2021, hoàn thành công tác lập hồ sơ thiết kế, lựa chọn nhà thầu. Đến nay, công tác triển khai thi công đã hoàn thành được 30%", ông Vũ Hồng Phương, Quyền Giám đốc Ban quản lý Dự án Đường sắt, Bộ Giao thông Vận tải, cho biết.
Sau khi hoàn thành, các đoạn được nâng cấp sẽ cho phép tầu chạy 70km/h đối với vận tải hành khách và 50km/h với vận tải hàng hóa, đồng thời tăng công suất khai thác chạy tàu trên toàn tuyến.
"Trong kế hoạch trung hạn 2020 - 2025, Bộ Giao thông Vận tải vẫn tiếp tục đề nghị nâng cấp cải tạo cho các điểm thiết yếu còn lại của tuyến đường sắt Bắc - Nam và làm các tuyến đường sắt kết nối với các cảng ở khu vực phía Bắc, phía Nam", Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Ngọc Đông cho hay.
Lần đầu tiên đường sắt có được số tiền 7.000 tỷ đồng để nâng cấp sửa chữa. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Trong khi chờ một dự án đường sắt tốc độ cao, việc nâng cấp hệ thống đường sắt hiện tại sẽ giúp có thêm dư địa phát triển cho ngành, nhất là về thời gian chuyên chở, tính an toàn, thuận tiện, bởi hơn 100 năm qua, hệ thống đường sắt Việt Nam chưa có những thay đổi lớn để đáp ứng xu thế phát triển chung.
Những năm gần đây, đường sắt Việt Nam cũng đã có một số giải pháp nâng cao dịch vụ cũng như cải thiện tốc độ chạy tàu, đưa vào sử dụng nhiều toa tàu hiện đại, tiêu chuẩn năm sao... Thế nhưng con số chưa đầy 0,2% sản lượng vận chuyển hành khách đã cho thấy đường sắt vẫn còn phải đối mặt với thách thức rất lớn để thực sự thay đổi định kiến về một loại hình vận tải già nua, chậm chạp.
Các chuyên gia quốc tế đã tính toán, với đường bộ, đường thủy, hàng không, đầu tư mở mới thêm một đường, năng lực tăng gấp đôi. Còn đường sắt, đầu tư thêm một đường, năng lực có thể tăng gấp 20 lần.
Nếu phát triển đúng mức, đường sắt sẽ làm giảm 1/3 áp lực giao thông đường bộ, kéo giảm chi phí logistics của doanh nghiệp, nhưng đó là nếu, còn với thực trạng đường sắt như hiện nay, càng chậm lớn càng tụt hậu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!