Mùa đại hội cổ đông đang bước vào cao điểm, với nhiều ngân hàng báo cáo kết quả kinh doanh khả quan.
Lợi nhuận trước thuế quý 1 của ngân hàng ABBank đã tăng hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021, một trong những động lực đến từ hoạt động cho vay. Khác với mọi năm, tín dụng thường tăng chậm vào đầu năm, nhưng năm nay, nhu cầu vay vốn để phục hồi kinh tế đã giúp tín dụng tăng mạnh ngay từ những tháng đầu.
""Khách hàng sẽ trả nợ ngay sau Tết và các đơn vị không tập trung kinh doanh sẽ không tăng trưởng trở lại. năm nay là năm đầu tiên các bạn đã bù được số khách hàng trả và cho vay thêm, nghĩa là tăng trưởng so với số cuối kỳ và vượt thêm 5.000 tỷ", ông Đào Mạnh Kháng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP An Bình ABBank, cho biết.
Triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng năm nay được nhận định sẽ tiếp tục khả quan. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Nhờ duy trì ổn định hoạt động kinh doanh, SSI Research ước tính, có 12/13 ngân hàng có lợi nhuận tăng trong quý đầu năm, với mức tăng kỳ vọng dao động từ 14% đến trên 170%.
"Tăng trưởng tín dụng trong quý 1 khá cao, trên 5%, cao hơn nhiều so với cùng kỳ năm 2021 và các ngân hàng đều duy trì được biên lợi nhuận ổn định và việc xử lý nợ xấu khá tốt. Theo ước tính của chúng tôi, mức tăng trưởng lợi nhuận quý 1 trong năm nay của các ngân hàng ở mức khoảng 26%, tương đối cao", ông Phạm Lưu Hưng, Kinh tế trưởng, Công ty CP Chứng khoán SSI, nhận định.
Ngoài tín dụng, nhiều ngân hàng cũng tìm cách đa dạng hóa nguồn thu, như ngân hàng VIB, kiếm được hơn 1800 tỷ đồng lợi nhuận trong quý 1, tăng đến 68%. Trong đó, khoản thu từ phí dịch vụ chiếm tỷ lệ khá cao, như thu từ bảo hiểm, bảo lãnh thanh toán... giúp cơ cấu thu bền vững hơn.
"Phí từ phi tín dụng của VIB đang nằm trong top cao nhất của ngành ngân hàng, đặc biệt phí thu từ banca, bancassurance và phí phi tín dụng từ thẻ tín dụng là những khoản phí đang chiếm gần 80% phí dịch vụ", bà Trần Thu Hương, Giám đốc Chiến lược kiêm Giám đốc Khối Ngân hàng Bán lẻ VIB, cho hay.
Triển vọng lợi nhuận của các ngân hàng năm nay được nhận định sẽ tiếp tục khả quan, tuy nhiên, sẽ có sự phân hóa mạnh. Những ngân hàng có lợi thế về tăng trưởng tín dụng, có hệ số an toàn vốn cao, độ bao phủ nợ xấu lớn, hay có hệ sinh thái số… sẽ giữ được tốc độ tăng trưởng cao và ngược lại.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!