Theo số liệu của sàn giao dịch chứng khoán Cboe Europe, vượt qua các hạn chế của Liên minh châu Âu (EU) sau khi Anh rời EU (Brexit), London ghi nhận mức giao dịch cổ phiếu trung bình 8,9 tỷ Euro/ngày (hơn 10 tỷ USD/ngày) trong tháng 6, so với 8,8 tỷ Euro tại Amsterdam. Giá trị giao dịch cổ phiếu tại Amsterdam đạt 9,4 tỷ Euro/ngày trong tháng 5, so với khoảng 8,7 tỷ Euro tại London.
Hồi tháng 1, London đã nhường ngôi trung tâm giao dịch chứng khoán lớn nhất châu Âu cho Amsterdam sau khi hàng loạt giao dịch bị buộc phải chuyển khỏi thành phố này do lệnh cấm giao dịch cổ phiếu của EU bên ngoài khối.
Sở Giao dịch chứng khoán London ở Anh. (Ảnh: Shutterstock)
Việc giành lại ngôi đầu của London là nhờ vào việc cổ phiếu của Thụy Sỹ đã được giao dịch trở lại tại đây sau khi Anh hủy lệnh cấm giao dịch đối với cổ phiếu trên toàn EU được áp dụng từ năm 2019.
Ông Alberto Tocchio từ công ty tài chính Kairos Partners cho biết sự trở lại của giao dịch cổ phiếu Thụy Sỹ đã giúp lật ngược tình thế, và cho rằng London sẽ sớm lấy lại vị thế trung tâm giao dịch châu Âu và toàn cầu, và có thể dễ dàng hưởng lợi từ việc thoát khỏi các quy định hạn chế của EU.
Mặc dù London đã trở lại ngôi đầu, số liệu từ Cboe Europe cho thấy khoảng cách giữa London và Amsterdam đã thu hẹp hơn nhiều so với trước Brexit. Tháng 12/2020, khối lượng giao dịch cổ phiếu của London đứng ở mức 14,3 tỷ Euro so với 2,2 tỷ Euro của Amsterdam.
Anh hiện đang tìm cách thúc đẩy quan hệ giữa London với các thị trường toàn cầu khác trong bối cảnh nước này có thể không đạt được một thỏa thuận tài chính hậu Brexit với EU.
Phát biểu tại Mansion House, một sự kiện thường niên của Bộ trưởng Bộ Tài chính Anh, Bộ trưởng Rishi Sunak ngày 1/7 đưa ra kế hoạch tăng sức cạnh tranh của London sau khi Anh từ bỏ hy vọng EU sẽ cho nước này tiếp cận các thị trường của khối. Bộ trưởng Sunak cho rằng Brexit đã mang lại cho London quyền tự do để làm những điều khác biệt và tốt hơn.
Phát biểu của ông Sunak là dấu hiệu cho thấy Anh đã chuyển từ chờ đợi Brussels cấp quyền tiếp cận thị trường cho các công ty của nước này sang tìm cách tăng cường quan hệ đối tác với các thị trường bên ngoài EU.
Trong một tài liệu được công bố ngày 1/7 tại Mansion House dưới tiêu đề "Một chương mới cho dịch vụ tài chính", Chính phủ Anh đã xây dựng kế hoạch thúc đẩy quan hệ dịch vụ tài chính với các thị trường mới nổi lớn như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.
Tài liệu này cũng đưa ra các tham vấn có thể dẫn tới việc nới lỏng hàng loạt quy định trước Brexit được thiết kế để kiểm soát hoạt động thương mại, nhiều trong số đó được cho là ảnh hưởng tiêu cực tới thị trường vốn do các thủ tục quan liêu.
Giám đốc điều hành công ty tư vấn tài chính Stanhope Capital, Daniel Pinto, cho rằng Anh cần hiện đại hóa môi trường pháp lý để lấy lại vị trí trung tâm toàn cầu về nghiên cứu cổ phần của các công ty nhỏ.
Xuất khẩu dịch vụ tài chính mang lại 56 tỷ bảng (hơn 77 tỷ USD) cho nền kinh tế Anh. Một khảo sát của tập đoàn Ernst & Young vào tháng 6 cho thấy Anh vẫn là địa chỉ đầu tư dịch vụ tài chính hấp dẫn nhất châu Âu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!