Theo thông tin được bộ phận nghiên cứu SSI công bố trong báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp 8 tháng đầu năm 2019, hơn 90% đợt phát hành đều diễn ra thành công. Đây là một con số biết nói thể hiện sự "thuận mua, vừa bán" đang diễn ra trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Quy mô thị trường hiện cũng đã tăng trưởng khả quan lên hơn 10% GDP.
Chủ thể phát hành lớn nhất vẫn là các ngân hàng thương mại với tổng giá trị phát hành là 56.060 tỷ đồng (chiếm 47,9%); thứ hai là các doanh nghiệp bất động sản phát hành 36.946 tỷ đồng (chiếm 31,5%), tiếp theo là nhóm hạ tầng phát triển và định chế tài chính phi ngân hàng.
Ngân hàng cũng là nhóm có tỷ lệ phát hành thành công cao nhất (99,6%) dù lãi suất bình quân chỉ khoảng 6,75%. Trong khi với lãi suất bình quân lên tới hơn 10%, bất động sản lại bất ngờ là nhóm có tỷ lệ phát hành thành công thấp nhất.
Trong khối các nhà đầu tư trong nước, công ty chứng khoán là bên mua lớn nhất chiếm 25,4% tổng lượng phát hành, trong đó mua 22.900 tỷ đồng trái phiếu do các ngân hàng phát hành. Đáng lưu ý, lượng mua này quá lớn so với quy mô vốn của các công ty chứng khoán, SSI đánh giá khả năng các công ty này chỉ là trung gian, tham gia mua trên sơ cấp để bán lại trên thứ cấp, không phải là người mua cuối cùng.
Trong số người mua trái phiếu doanh nghiệp, có các nhà đầu tư cá nhân. Tuy nhiên, với một sân chơi vốn dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp, các nhà đầu tư cá nhân cần lưu ý những gì ngoài những con số lãi suất hấp dẫn. Phóng viên VTV đã có cuộc phỏng vấn với ông Nguyễn Đức Hùng Linh - Giám đốc Phân tích và tư vấn đầu tư khách hàng cá nhân, đại diện đơn vị phát hành báo cáo của SSI - xung quanh vấn đề này.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!