Bắt đầu từ ngày 20/11, hãng taxi Mai Linh sẽ chính thức khai thác dịch vụ xe ôm công nghệ tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng (M.bike). Điều này cho thấy cuộc chiến thị trường mà các hãng ngoại như Uber, Grab phát động đã có hiệu ứng tốt, buộc các hãng nội phải chuyển mình.
Theo tờ Thời báo kinh doanh, sự khác biệt đầu tiên của M.bike được chỉ ra là ở tỷ lệ chiết khấu cho tài xế: 15 - 85. Mai Linh hưởng 15% tổng cước chuyến đi, còn tài xế hưởng 85%. Theo tờ báo, mức chiết khấu này thấp hơn các hãng dịch vụ trên thị trường, thường lên tới 20 - 25%. Chưa kể, hãng xe này sẽ miễn phí cho tài xế 2 tháng đầu sử dụng dịch vụ kết nối.
Còn về giá cả, mức giá của M.bike ngang bằng với Grabbike, và chỉ đắt hơn UberMoto 100 đồng/km. Tuy nhiên, UberMoto vẫn còn các loại phí khác, như phí sử dụng dịch vụ theo thời gian, hay phí hủy chuyến.
Giống như Grabbike, M.bike cũng có loại xe dịch vụ thường và loại premium, chỉ riêng UberMoto là không có. Mức giá ở loại này của M.bike cũng ngang bằng với Grabbike. Như vậy, về biểu giá cơ bản, có thể nói M.bike khá cạnh tranh.
Điểm khác biệt duy nhất của M.bike là chiến lược giá surge pricing (giá nhảy cóc), chính sách mà Uber và Grab đang áp dụng, tức khả năng điều chỉnh giá dựa trên việc kết nối cung - cầu. Ví dụ, khi thời tiết xấu, giá sẽ tăng đột biến, để đảm bảo có đủ tài xế mang xe ra đường phục vụ khách.
Như một chuyên gia đã chỉ ra, hệ thống của một đơn vị kết nối vận tải có thể sập ngay khi xảy ra hiện tượng mất cân bằng cung - cầu. Thông thường, các đơn vị này phải nghĩ ra một chỉ số nào đó để đo đạc cán cân này. Ví dụ, nếu có 100 yêu cầu gọi xe và tất cả đều được các lái xe nhận sau vài giây, thì tỷ lệ nhận cao cho thấy lái xe đang dư thừa. Ngược lại, tỷ lệ nhận thấp, yêu cầu chậm giải quyết cho thấy đang thiếu xe, khi đó, các hãng phải có cơ chế tự động điều chỉnh giá.
Về điểm này, M.bike không áp dụng mức giá cước linh hoạt như UberMoto hay Grabbike. Nếu xét về giá cước trung bình, thì M.bike đang rẻ hơn hai hãng UberMoto và Grabbike. Tuy nhiên, để đảm bảo cung - cầu lại là chuyện khác. Mai Linh tiết lộ một tính năng mới gọi là bản đồ nhiệt, nhìn vào đây, lái xe có thể biết nơi nào đang có nhu cầu lớn để chọn khu vực hoạt động.
Rõ ràng, khi các doanh nghiệp cạnh tranh công bằng, quyền quyết định sẽ thuộc về khách hàng. Qua việc ra mắt M.bike, một lần nữa cho thấy không thể chối bỏ việc áp dụng công nghệ mới trong kinh doanh nếu không muốn bị loại ra khỏi thị trường, kể cả khi đang là một ông lớn. Đây cũng là sự thừa nhận của các hãng taxi truyền thống, dù họ có ghét hay phản đối các hãng taxi công nghệ vì đã cướp mất bát cơm của họ, nhưng họ vẫn phải học theo chính những đối thủ của mình.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!