"Cho thu nhập thụ động hàng tháng lên tới 28 nghìn USD, tức là hơn 600 triệu đồng. Ma trận 3x8 của Vitae sẽ giúp bạn." Những lời quảng cáo này của một mạng xã hội tự xưng có tên là Vitae đến từ Thụy Sĩ, đã hứa hẹn với người dùng "ai vào cũng có tiền, thậm chí có nhiều tiền". Nhưng ở đời có phải dễ kiếm tiền đến thế? Có phải ai cũng đủ tỉnh táo để không bị "sập bẫy" bởi 1 miếng pho mát thơm ngon miễn phí?
Trang web chính thức của Vitae
Lạc vào các "Ma trận của Vitae"
Khoảng vài tháng gần đây, trên khắp các tỉnh, thành, nhiều người đã dùng tài khoản Facebook cá nhân đăng tải, kêu gọi mọi người tham gia vào mạng xã hội Vitae. Một số người tự xưng là "đại sứ" của Vitae cũng liên tục livestream, họp zoom, đăng lên Youtube các video tuyên truyền, quảng bá cho mạng xã hội này.
Mô hình trả hoa hồng theo nhiều cấp bậc của Vitae.
"Vitae là mạng xã hội phân quyền, tất cả những người vào đây đều sẽ có tiền", một "đại sứ" của Vitae nói.
Để có thể kiếm tiền từ mạng xã hội tự xưng này, người dùng phải đặt cọc 200 USD để đăng ký tài khoản và giữ chỗ trên website: Vitae.co. Sau đó, muốn có thu nhập, người dùng phải phát triển hệ thống theo các loại sơ đồ "ma trận" do mạng xã hội tự xưng này vẽ ra. Đó là ma trận vườn 5x5, ma trận mục đích 3x8 và ma trận định mệnh 2x10.
Mô hình ma trận vườn 5x5
Đây là mô hình cơ bản nhất khi tham gia Vitae. Sau khi đăng ký, người tham gia sẽ phải phát triển hệ thống theo sơ đồ cứ 1 người phải giới thiệu ra 5 người ở tuyến dưới, theo 5 tầng. Như vậy, mỗi cây ma trận có tổng cộng là 5+25+125+625+3.125=3.905 vị trí.
Khi lấp đầy các vị trí trống này, bạn sẽ nhận được thu nhập tương ứng. Cụ thể, khi lấp đầy các vị trí trống ở tầng 1 người dùng sẽ nhận được là 0,12 USD cho mỗi vị trí, khi lấp đầy các vị trí ở tầng thứ 2 và thứ 3 người dùng nhận được 0,04 USD cho mỗi vị trí và khi lấp đầy các vị trí trống ở tầng thứ 4 và thứ 5 người dùng nhận được 0.09 USD cho mỗi vị trí. Vitae sẽ chốt thu nhập tại tầng 5, khi đầy các vị trí trong cây ma trận. Lúc này, người dùng sẽ có thu nhập là 344,1 USD.
Mô hình ma trận vườn 5x5.
Bên cạnh việc kiếm được tiền nhờ vào tự làm đầy cây ma trận 5x5 của mình, người dùng cũng có thể nhận được hoa hồng bảo trợ khi người được giới thiệu vào làm đầy cây ma trận 5x5 của họ. Mức hoa hồng bảo trợ người dùng nhận được theo hình thức này tương ứng với mỗi cây ma trận 5x5 được làm đầy bởi người được giới thiệu là 101,55 USD.
Đối với cây ma trận mục đích 3x8
Đây là cây ma trận với 8 tầng, số vị trí ở tầng sau gấp 3 lần số vị trí tầng trước đó. Điều kiện để nâng cấp lên ma trận 3x8 là người dùng phải có số dư 200 USD thu nhập bên ma trận 5x5, hoặc có thể nạp vào 200 USD để nâng cấp ngay lập tức.
Cây ma trận mục đích 3x8.
Để có được thu nhập từ cây ma trận 3x8 này, người dùng cũng cần phải làm đầy các vị trí trong đó, tương tự như cây ma trận 5x5.
Mức thu nhập cho mỗi vị trí trong cây ma trận 3x8 cũng có sự khác nhau theo các tầng: người dùng sẽ nhận được 67 USD khi lấy đầy mỗi vị trí ở tầng 1, nhận được $0,99 khi lấy đầy mỗi vị trí ở tầng thứ 2, nhận được 1 USD khi lấp đầy mỗi vị trí ở tầng thứ 3 và 4, nhận được 1,5 USD khi lấp đầy mỗi vị trí ở các tầng thứ 5, 6, 7 và nhận được 3,5 USD khi lấp đầy mỗi vị trí ở tầng thứ 8 – tầng cuối cùng của ma trận. Khi lấp đầy ma trận 3×8 này, người dùng sẽ đạt được mức thu nhập thu động 28.000 USD mỗi tháng kéo dài mãi mãi.
Đối với cây ma trận định mệnh 2x10
Vitae tạo ra cây ma trận định mệnh 2x10. Cây ma trận 2x10 là cây ma trận gồm 1 gốc tỏa ra 2 nhánh và có 10 tầng. Số vị trí mỗi tầng tăng dần theo lũy thừa 2. Đây là cây ma trận mang tính chất may mắn, kiểu như hàng trăm nghìn người mới có 1 vài người trúng xổ số. Do vậy cây ma trận này chỉ dành cho những người may mắn, nếu trúng sẽ được 9.350 USD.
Cây ma trận định mệnh 2x10.
Các "ma trận" của Vitae rất khó hiểu, lằng ngoằng nên hầu hết những người mới tham gia nghe tuyên truyền, quảng cáo đều thấy rất khó hiểu. Tuy nhiên, các "đại sứ" của Vitae cho rằng người dùng không cần thiết phải hiểu, chỉ cần bỏ tiền đầu tư và mời chào được càng nhiều người tham gia càng tốt, là sẽ có tiền. Mọi việc khác cứ để công ty lo. Nếu không mời chào được ai, người dùng có thể tự bỏ tiền ra mua các vị trí để lấp đầy các ma trận ở trên, với giá 0,6 USD/vị trí.
Các "đại sứ" quảng cáo có thu nhập "khủng" từ Vitae
Để lấy lòng tin của người tham gia, hàng chục "đại sứ tự xưng" của Vitae đã liên tục đăng đàn quảng cáo, thậm chí chụp ảnh màn hình thu nhập của họ đã được Vitae trả tiền. Một "đại sứ" có tên là Đ.Đ hiện nay đang là giáo viên dạy cấp 3 tại huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình cho biết anh tham gia Vitae từ tháng 4/2020, bỏ 5,5 triệu đồng và đến nay sau 4 tháng đã thu nhập được 150 triệu đồng, gấp gần 28 lần số vốn bỏ ra ban đầu.
Đại sứ "tự xưng" của Vitae.
Một "đại sứ" khác có tên là N.H cũng "khoe" chỉ bỏ ra 15 triệu đồng ban đầu để tham gia Vitae và mua vị trí, đến nay anh đã phát triển hệ thống có hàng trăm người ở tuyến dưới, có thu nhập thụ động hàng tháng 5.000 USD.
Thậm chí, những "đại sứ" này còn khẳng định: "Vitae đang trả tiền theo giây, đi ngủ tiền vẫn đổ về ầm ầm. Chỉ cần người dùng phát triển được hệ thống ổn định, sau này chỉ cần ngồi chơi, không cần làm gì mà vẫn có thu nhập thụ động hàng tháng".
Vitae lấy tiền ở đâu trả cho người dùng?
Trong các buổi tuyên truyền online, 1 người tự xưng là bảo trợ quốc tế của Vitae, ông Alex cho biết: "Vitae là cộng đồng mạng xã hội phân quyền. Cho nên khi tiền quảng cáo về công ty thì Vitae sẽ chia lại cho tất cả người dùng. Đấy là điều mà các bạn cần phải biết sự khác biệt giữa Vitae và Facebook và các mạng xã hội khác."
"Khi tương tác quảng cáo thì 100% tiền đổ về Vitae nhưng họ chỉ giữ lại có 10% thôi, và 90% thì lượng tiền sẽ đổ ngược lại xuống trả cho người dùng", một "đại sứ" khác khẳng định.
Tuy nhiên, theo số liệu thống kê của trang Similarweb, 1 trang web chuyên thống kê các chỉ số của hơn 80 triệu website trên thế giới, trang Vitae.co mỗi tháng chỉ có chưa đầy 200.000 người truy cập. Trong đó, gần 70% lượng truy cập hầu hết đến từ Việt Nam. Nếu tính theo đơn giá hiện nay của Youtube tại thị trường Việt Nam, 1 lượt xem, truy cập sẽ được 50 đồng. Như vậy, với 200.000 lượt truy cập, mỗi tháng tối đa trang Vitae.co chỉ thu về được khoảng 10 triệu đồng tiền quảng cáo.
Ông Hà Anh Tuấn, Ủy viên BCH Hiệp hội Internet Việt Nam.
"Với 200.000 lượt truy cập 1 tháng, ví dụ Google thuê đi cũng chỉ được khoảng tầm 10 triệu đồng/tháng tiền quảng cáo là tối đa. Với 90% của 10 triệu là 9 triệu mà chia cho 200.000 người, mỗi người sẽ không được mấy xu, nó khồng đáng bao nhiêu tiền cả. Cho nên, việc Vitae bảo lấy tiền quảng cáo để trả cho người sử dụng không thể có thật, chắc chắn là như vậy", ông Hà Anh Tuấn, Ủy viên BCH Hiệp hội Internet Việt Nam chia sẻ.
Tiền quảng cáo thu về chỉ khoảng chục triệu đồng 1 tháng, nhưng tiền trả cho 1 người dùng "đại sứ cấp cao" của Vitae đã lên tới hàng trăm triệu đồng. Trong khi đó, mạng xã hội tự xưng này cũng không công bố có bất kỳ hoạt động sản xuất kinh doanh gì, hay có đơn vị thứ 3 nào đứng ra tài trợ, góp vốn. Ông Hà Anh Tuấn cho rằng, khả năng cao Vitae tự lấy tiền của người dùng sau để trả cho người dùng trước.
"Họ bắt buộc phải lấy tiền của người sau trả cho người trước. Chứ kinh doanh của công ty đấy sinh ra tiền nhiều như vậy. Đến 1 ngày nào đó khoản tiền trả quá lớn thì bắt buộc họ phải phá sản để họ không phải trả nữa. Và những người tham gia sau cùng sẽ phải chịu rủi ro. Còn những người tham gia trước họ đã lĩnh được tiền hoa hồng rồi thì họ sẽ không bị ảnh hưởng", ông Tuấn cho biết thêm.
Tiền ảo Vitae rút được tiền mặt từ cây ATM?
Toàn bộ tiền lãi, hoa hồng môi giới sẽ được Vitae trả bằng tiền ảo ở trong ví điện tử của người dùng. Hiện 1 Vitae coin đang dao động ở mức trên 2 USD. Các "đại sứ" của Vitae ra sức quảng cáo, hứa hẹn đồng Vitae coin này sẽ tăng giá trong thời gian tới. Thậm chí, còn khẳng định sắp tới nhà đầu tư có thể rút được tiền thật từ tiền ảo Vitae qua cây ATM.
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico.
Tuy nhiên, theo luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Basico, tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam công nhận, khi có tranh chấp xảy ra, người dùng sẽ không được bảo vệ. Ngoài ra, muốn rút tiền qua ATM phải có sự cho phép Ngân hàng Nhà Nước và phải có 1 Ngân hàng thương mại đứng ra bảo lãnh làm dịch vụ. Trong khi tiền ảo vẫn chưa được coi là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam. Do vậy, việc rút tiền ảo Vitae qua ATM là chuyện không có cơ sở.
"Đây chỉ là chi tiết để họ đánh lừa, gây niềm tin cho người đầu tư chứ tôi cho rằng hoàn toàn không có sơ sở nào cho việc rút được tiền ảo từ cây ATM", luật sư Đức khẳng định.
Vitae đóng thuế cho các quốc gia nơi có thành viên?
Một quảng cáo khác của Vitae để lấy lòng tin của người dùng đó là tuyên truyền việc Vitae đã đóng thuế đầy đủ cho các quốc gia có thành viên tham gia. Thậm chí, Vitae còn trực tiếp thu hộ thuế thu nhập cá nhân của những người dùng đã được Vitae trả tiền. Một "đại sứ" của Vitae tiết lộ: Thu nhập hàng tháng của anh đều bị Vitae trích 20%, thu luôn từ nguồn để công ty đóng hộ thuế thu nhập cá nhân.
Vitae tuyên truyền việc đóng thuế đầy đủ cho các quốc gia có thành viên tham gia.
Thế nhưng dù Vitae hoạt động tại Việt Nam đã hơn nửa năm nay, song thông tin từ Tổng cục thuế và Cục thuế Tp Hà Nội thì hiện nay chưa có bất kỳ khoản thuế nào được đóng liên quan đến mạng xã hội Vitae từ Thụy Sĩ. Qua rà soát chỉ có công ty CP truyền thông Vitae Việt Nam, mới được đăng ký thành lập ngày 26/3 năm nay, do ông Bùi Ngọc Hưng làm Giám đốc.
Tuy nhiên, doanh nghiệp này cũng chưa phát sinh nghĩa vụ thuế nào với ngân sách, tức là chưa đóng đồng thuế thu nhập nào. Công ty Vitae Việt Nam chỉ là doanh nghiệp tư nhân, không phải là văn phòng hay chi nhánh của Vitae Thụy Sĩ.
Rủi ro nào cho các nhà đầu tư của Vitae khi "ma trận" đã giăng bẫy?
Khi nhà đầu tư bỏ tiền để tham gia vào mạng xã hội Vitae, không nhận được bất kỳ giấy tờ hay hóa đơn điện tử hoặc giấy chứng nhận gì. Việc nộp tiền đa số hoàn toàn đều nhờ các tuyến trên, hoặc nhờ các "đại sứ" thu hộ, sau đó lập tài khoản hộ. Hàng ngày, các nhà đầu tư vào tài khoản của mình trên trang: Vitae.co để kiểm tra, mua vị trí và hoạt động. Trong khi đó, trang chủ của website này được đặt máy chủ tại nước ngoài. Tại Việt Nam, mạng Vitae cũng không có văn phòng đại diện, hay chi nhánh nào hoạt động hợp pháp có tư cách pháp nhân.
Vì thế, theo luật sư Trương Thanh Đức, nếu sau này trang Vitae.co sập hoặc gặp trục trặc không thể truy cập được, người dùng có nguy cơ mất tiền là rất cao.
Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo người dân không tham gia đầu tư, phát triển hệ thống kinh doanh vào các dự án của Vitae.
"Lúc ấy, người dùng chẳng biết tìm ai để mà đòi tiền. Giả sử muốn đòi tiền phải đặt vé máy bay sang Thụy Sĩ. Mà có sang được đó thì liệu có gặp được ông chủ của Vitae để mà đòi tiền hay không? Đó là 1 câu chuyện rất nan giải", luật sư Đức chia sẻ.
Thế còn trách nhiệm của các "đại sứ" tự xưng của Vitae thì sao?
Một đại sứ có tên là N.H sau 1 hồi tâm sự cũng đã tiết lộ: "Công ty nằm ở bên Thụy Sỹ, không có ai đại diện ở Việt Nam. Tất cả chúng ta vào đây là như nhau. Chẳng qua, chúng tôi là người đi trước, chúng tôi chia sẻ cho các bạn và các bạn tự tìm hiểu thêm. Chứ chẳng có gì đảm bảo ở đây cả."
Mới đây, Cục quản lý cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng, Bộ Công thương đã lên tiếng cảnh báo các mô hình có dấu hiệu kinh doanh đa cấp trái phép trên nền tảng thương mại điện tử. Cơ quan này đánh giá mô hình đầu tư có địa chỉ Vitae.co, có dấu hiệu của hoạt động kinh doanh theo phương thức đa cấp nhưng chưa được cấp phép theo quy định. Cục Cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng cảnh báo người dân không tham gia đầu tư, phát triển hệ thống kinh doanh vào các dự án của Vitae.
Với những dữ liệu đã phân tích ở trên, liệu mạng xã hội Vitae có còn là miếng bánh, miếng pho mát thơm ngon miễn phí cho các nhà đầu tư nữa hay không?
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!