Thị trường ghi nhận giá nhà phố cho thuê giảm từ 20 - 30%, thậm chí có khu vực giảm đến 50%.
Savills Việt Nam cho rằng, thị trường bán lẻ đang đối diện với một thử thách lớn chưa bao giờ có, khi chủ nhà không còn là người nắm thế thượng phong và cần có những biện pháp chuyển mình để sinh tồn, thích ứng với tình trạng "bình thường mới".
Theo những người dân sống dọc con phố Đinh Tiên Hoàng, TP Hà Nội, từ đầu năm nay, những mặt bằng bỏ trống, cửa đóng then cài xuất hiện ngày một nhiều hơn. Đây là đều chưa từng thấy trong suốt mấy chục năm qua.
Đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 khiến mặt bằng cho thuê mất giá. (Ảnh: Báo Đầu tư)
Tìm kiếm khách thuê hiện tại là không dễ dàng. Theo các chuyên gia, đến đợt dịch thứ 4, mặt bằng cho thuê mất giá, khách thuê dần dần dẫn dắt thị trường.
"Đúng là trên bàn đàm phán hiện tại, bên thuê có lợi thế hơn vì họ biết rằng bên cho thuê có ít sự lựa chọn hơn về khách hàng. Các điều kiện thuê đã linh hoạt hơn, ví dụ như thời hạn thanh toán tiền thuê được chia nhỏ hơn và một số chính sách giá ưu đãi trong ngắn hạn, như một giao dịch hiện tại được chia ra mức giá hỗ trợ dịch bệnh năm 2021 và mức giá của năm 2022 trở đi", bà Nguyễn Hồng Vân, Giám đốc Thị trường Hà Nội, JLL Việt Nam, cho biết.
Bên cạnh đó, để thích ứng, một số chủ nhà hướng đến khách thuê văn phòng, trụ sở công ty vì nhóm khách này ít bị ảnh hưởng hơn so với ngành bán lẻ.
Theo Savills, các ngành hàng như y tế, ngân hàng và các chuỗi cửa hàng tiện ích vẫn duy trì hoạt động kinh doanh ổn định trong mùa dịch và có xu hướng mở rộng chuỗi/chi nhánh.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!