Ghi nhận tại các chợ đầu mối và chợ dân sinh, giá cả trong hai tháng gần đây - tức là thời điểm trước và sau khi tăng lương cơ sở, giá duy trì ổn định. Thậm chí một số mặt hàng giảm giá nhẹ. Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 7, giá của nhóm lương thực giảm 0,03%; thực phẩm tăng 0,31%.
Nguyên nhân chính tác động đến chỉ số giá tiêu dùng trong tháng 7 là do giá xăng dầu trong nước tăng theo giá thế giới, nhu cầu sử dụng điện sinh hoạt tăng và mức đóng bảo hiểm y tế được điều chỉnh theo mức lương cơ sở mới.
Bình quân 7 tháng qua, CPI tăng 4,12% so với cùng kỳ năm trước. Đây được cho là mức kiểm soát tốt, tạo dư địa khá rộng rãi cho việc kiểm soát lạm phát từ nay tới cuối năm.
Bà Nguyễn Thu Oanh - Vụ trưởng Vụ Thống kê Giá, Tổng cục Thống kê cho biết: "Khi kết thúc 6 tháng đầu năm, dư địa để đạt được mục tiêu Quốc hội đề ra trong năm nay ở mức 4,5% thì 6 tháng cuối năm, bình quân mỗi tháng có thể tăng 4,9%. Tuy nhiên, trong tháng 7, chúng ta chỉ tăng 4,36% cho nên dư địa cho 5 tháng còn lại của năm được nới rộng hơn, ở mức bình quân mỗi tháng khoảng 5.
Đạt được kết quả của tháng 7 như vậy cũng là chỉ đạo điều hành của Chính phủ, các bộ ngành và địa phương đã thực hiện rất nhiều các giải pháp để kiểm soát lạm phát, đặc biệt là việc giảm thiểu sự tác động của tăng lương tới lạm phát. Như chúng ta đã đảm bảo nguồn cung, đáp ứng đầy đủ nhu cầu tiêu dùng đối với các hàng hóa thiết yếu của người dân".
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!