Ông Masaru Fukuju là Giám đốc điều hành Công ty Fukuju của Nhật Bản. Công ty của ông Masaru nhập các mặt hàng tiêu dùng từ Indonesia, Trung Quốc và gần đây là Việt Nam để bán ở Nhật. Đã thực hiện hàng trăm thương vụ mua bán mỗi năm, nhưng ông Masaru khẳng định đây là lần đầu tiên gặp phải sự cố này.
Cách đây gần 1 năm, công ty của ông Masaru có làm việc với Công ty QT Vĩ tuyến 17 ở Việt Nam để mua than củi. 4 tháng sau, hợp đồng được ký với tổng giá trị là trên 15.000 USD.
Theo yêu cầu từ phía Việt Nam qua email, ông Masaru đã chuyển trước 7.200 USD được chia thành 2 lần. Nhưng lạ là bên phía Việt Nam yêu cầu chuyển vào một tài khoản khác, ngoài hợp đồng. Đến thời hạn lấy hàng, khi sang Việt Nam kiểm tra đơn hàng, ông không ngờ rằng mình đã bị lừa. Công ty QT Vĩ tuyến 17 xác nhận không nhận được tiền cũng như nhận được hợp đồng đã ký từ phía ông Masaru.
Lý giải trường hợp này, chuyên gia về mảng Chống mã độc Tập đoàn BKV cho biết, hệ thống máy tính bên phía Việt Nam có thể đã bị nhiễm mã độc.
“Trong trường hợp này hacker sẽ kiểm soát một trong hai bên tham gia giao dịch và sẽ giả mạo được email giao dịch, nhằm mục đích chuyển tài khoản của người nhận thành tài khoản của hacker, cắt liên lạch giữa hai đối tác” - ông Vũ Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch phụ trách mảng phòng chống mã độc, Tập đoàn BKV cho biết.
Ông Sơn khẳng định đây là một kiểu lừa đảo công nghệ tinh vi đang khá phổ biến hiện nay. Để tránh trở thành nạn nhân của kiểu lừa đảo này, mạng máy tính của các doanh nghiệp phải được giữ sạch không nhiễm mã độc. Đồng thời, hoạt động giao dịch quốc tế với số tiền lớn cần phải được xác nhận qua nhiều kênh như: điện thoại, video... thay vì chỉ sử dụng qua kênh email.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!