Miễn, giảm thuế, phí: "Phao cứu sinh" cho doanh nghiệp vừa và nhỏ

Kate Trần-Chủ nhật, ngày 07/07/2024 09:01 GMT+7

Chính sách miễn, giảm thuế, phí giúp doanh nghiệp có được nguồn tiền tạm thời phục vụ cho sản xuất kinh doanh

VTV.vn -Trong bối cảnh tổng cầu yếu, các chuyên gia cho rằng, Nhà nước cần theo dõi sát sức khỏe doanh nghiệp, nhận diện đúng những rủi ro để hỗ trợ doanh nghiệp hiệu quả.

Tổng cầu suy giảm, “bào mòn” tài chính của doanh nghiệp 

Theo TS. Cấn Văn Lực, thời gian tới, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và các ngân hàng trung ương lớn cắt giảm lãi suất, sẽ có 3 lợi ích tích cực với Việt Nam. Đầu tiên, chênh lệch USD/VND giảm, giúp giảm bớt áp lực tỷ giá vốn đã căng thẳng trong thời gian qua. Bên cạnh đó, giảm chi phí huy động vốn, đặc biệt là chi phí cho cả người dân, doanh nghiệp và cả Chính phủ.

Từ đầu năm đến nay, trên toàn cầu theo công bố của Ngân hàng thế giới (WB), cầu tiêu dùng quốc tế mặc dù đang phục hồi nhưng rất chậm. Đáng chú ý, trong nước tổng cầu vẫn yếu. Trao đổi với phóng viên VTVTimes, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia đánh giá, kinh tế Việt Nam đang phục hồi, được thể hiện qua số liệu tăng trưởng, xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Qua đó, đầu tư - kinh doanh - tiêu dùng sẽ được cải thiện, tạo ra một số cơ hội mới cho doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, dù đạt được những bước tiến nhất định, song nền kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với không ít rủi ro, biến động phức tạp. Hoạt động sản xuất, kinh doanh bắt đầu được cải thiện nhờ nhu cầu xuất khẩu tăng và nguồn vốn FDI ổn định, nhưng tiêu dùng vẫn còn ở mức yếu so với mức trung bình trước khi có bão dịch. 

Còn theo ông Mạc Quốc Anh - Phó chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN NVV Hà Nội, trong thời gian qua, đa số doanh nghiệp nhỏ và vừa "bơi" trong khó khăn, nhất là về vấn đề ổn định thị trường. Thực tế cho thấy rõ, nhu cầu tiêu thụ thực của thị trường rất thấp.Trong khi xuất khẩu thì phần nhiều chỉ đang duy trì một cách ổn định đơn hàng đối với các đối tác truyền thống. 

Lý giải cho sự suy yếu của tổng cầu, các chuyên gia kinh tế cho rằng, nguyên nhân chính là do niềm tin của người tiêu dùng giảm sút. Hiện người dân đang có xu hướng tiết kiệm nhiều hơn và trì hoãn các khoản mua sắm lớn. 

Mới đây, trong cuộc trao đổi với báo giới, bà Phí Hương Nga, Vụ trưởng Vụ Thống kê công nghiệp và xây dựng (Tổng cục Thống kê) nhấn mạnh, hoạt động sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp vẫn còn gặp khó khăn, thể hiện qua con số hơn 110.300 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường, tăng 10,3% trong 6 tháng đầu năm. Tổng vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế giảm 7,7% so với cùng kỳ năm 2023. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp có xu hướng giảm so với giai đoạn trước đây. Nếu giai đoạn 2017-2022, vốn đăng ký bình quân trên 10 tỷ đồng/doanh nghiệp, thì năm 2023 và 2024 giảm còn 9,2 tỷ đồng/doanh nghiệp. 

"Điều đó thể hiện rằng, hoạt động của doanh nghiệp không hiệu quả, doanh nghiệp gặp về tài chính, thiếu vốn và thiếu kinh phí đầu tư. Trong khi đó, sức ép từ lạm phát khiến nhu cầu tiêu dùng tăng trưởng không cao như kỳ vọng, do giá cả tăng cao dẫn đến thu nhập thực tế giảm, kéo theo hạn chế chi tiêu của người tiêu dùng. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến sự sống còn của khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, và đẩy họ vào cảnh loay hoay trong khó khăn", bà Nga phân tích.

"Phao cứu sinh" từ chính sách miễn, giảm thuế, phí 

Từ thực trạng đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Nhà nước cần theo dõi sát sức khỏe doanh nghiệp, nhận diện đúng những rủi ro để hỗ trợ doanh nghiệp một cách thiết thực hơn, hiệu quả hơn. Nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ - rất cần những chính sách hỗ trợ hữu hiệu từ Chính phủ để thông qua đó kích thích tăng trưởng kinh tế.

Trong đó, theo ông Mạc Quốc Anh, doanh nghiệp đang cần có một nguồn tài chính ổn định để duy trì hoạt động sản xuất - kinh doanh. Bởi vậy, các chính sách, giải pháp hỗ trợ về vốn, về thuế, phí...là quan trọng hàng đầu hiện nay.

Trao đổi với phóng viên VTVTimes, đại diện Tổng cục Thuế cho hay, từ đầu năm đến nay, thông qua công tác quản lý thuế, toàn ngành Thuế đã chủ động theo dõi sát sao sức khỏe doanh nghiệp, thông qua đó nhận diện cụ thể những khó khăn, rào cản mà doanh nghiệp phải đổi mặt để trình Bộ Tài chính tham mưu cho Chính phủ, các cấp có thẩm quyền bổ sung các giải pháp hỗ trợ về thuế cho doanh nghiệp và người dân. 

Trong đó, đặc biệt là kéo dài thời hạn giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT); ban hành Nghị định gia hạn thời hạn nộp thuế GTGT, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế thu nhập cá nhân (TNCN) và tiền thuê đất năm 2024 và gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước…, tiếp tục hỗ trợ nguồn lực về tài chính giúp doanh nghiệp, người dân duy trì đà hồi phục sản xuất kinh doanh.

Nhiều chuyên gia đánh giá rất cao các chính sách về giảm thuế, phí. "Có thể khẳng định, chính sách giãn, giảm thuế, phí đã, đang và sẽ có tác động tốt hơn cho doanh nghiệp, người dân. Thông qua đó, kích thích tiêu dùng, làm tổng cầu "ấm" dần lên", Tổng thư ký Hiệp hội DN NVV Hà Nội nhận định.

Thêm vào đó, nhiều doanh nghiệp chia sẻ, chính sách gia hạn thời gian nộp thuế, giảm thuế GTGT thể hiện sự sát sao quan tâm của Chính phủ đối với doanh nghiệp. Chính sách ban hành  rất kịp thời, giúp cho doanh nghiệp có được nguồn tiền tạm thời phục vụ cho sản xuất kinh doanh như để chi trả cho việc nhập nguyên vật liệu đầu vào và trả lương cho người lao động.

Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng mong muốn Chính phủ hỗ trợ về mặt lãi suất cho cả doanh nghiệp và người dân để vừa kích cầu sản xuất, vừa kích cầu tiêu dùng, tăng tổng cầu để phát triển thị trường, giúp doanh nghiệp phục hồi, góp phần tăng trưởng kinh tế./.


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước