Mở cửa lại nền kinh tế, lưu thông không thể mỗi nơi một phách

Ban Thời sự-Thứ bảy, ngày 18/09/2021 21:18 GMT+7

VTV.vn - Lưu thông thông suốt được xem là điểm mấu chốt trong việc mở cửa lại nền kinh tế sau khi COVID-19 đã dần được kiểm soát.

Mỗi nơi một cách hiểu, một cách làm, mỗi địa phương cấp một loại giấy phép lưu thông phương tiện là thực trạng đang diễn ra ở nhiều tỉnh thành phía Nam. Điều này không chỉ gây ách tắc lưu thông, tốn kém cho các doanh nghiệp, mà còn cản trở quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh ở các vùng đã khống chế, kiểm soát được dịch COVID-19.

Làm sao để tạo sự nhất quán, đồng bộ trong lưu thông, hạn chế tình trạng mỗi địa phương yêu cầu một loại giấy phép người, giấy phép xe trong vận tải, Bộ Giao thông vận tải đang phối hợp với các Bộ Y tế, bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh thành để thống nhất phương án vận tải, lưu thông hàng hóa trong điều kiện phòng chống dịch COVID-19 và khi các địa phương nới lỏng giãn cách. Đây được xem là giải pháp quan trọng để tháo gỡ các khó khăn cho doanh nghiệp và đẩy nhanh quá trình phục hồi sản xuất, kinh doanh…

Mở cửa lại nền kinh tế, lưu thông không thể mỗi nơi một phách - Ảnh 1.

Đang cần một giải pháp tối ưu đảm bảo lưu thông thông suốt (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Tại Hội nghị gặp gỡ giữa lãnh đạo với các hiệp hội và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài diễn ra tại tỉnh Đồng Nai trong sáng nay (18/9), quy định về phương tiện di chuyển người lao động sẽ như thế nào sau một thời gian dài phải ở tại chỗ là chủ đề được trao đổi nhiều nhất .

"Doanh nghiệp rất đông tức là 65.000 công nhân không thể nào mà đi bằng xe bus được, nếu mà có đi bằng xe bus thì nhà nước cũng không đáp ứng đủ cho nên tôi kiến nghị đi bằng phương tiện cá nhân", ông Lê Quốc Thanh - Tổng Giám đốc Điều hành Tập đoàn Phong Thái tại Việt Nam đề xuất tại Hội nghị.

Thế nhưng đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, mỗi tuần chỉ có thể giải phóng cho 10-20% người lao động của các doanh nghiệp 3 tại chỗ về nhà, là do công nhân ở nhiều địa bàn khác nhau, khi muốn về nhà, doanh nghiệp phải có báo cáo với các huyện để được chấp thuận. Và cũng chỉ giải quyết cho công nhân vùng xanh về với vùng xanh.

"Nếu chúng ta đủ điều kiện thì chúng ta sử dụng xe để đưa đón công nhân. Còn nếu chọn phương án cho công nhân đi bằng xe cá nhân, thì cái này chúng tôi đang dự thảo. Vì tôi sợ rằng công nhân không kiểm soát được lại đưa virus vào trong công ty. Nếu được công nhân sẽ được xem xét cấp giấy đi đường", Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng cho biết.

Còn tại ĐBSCL, Cần Thơ hiện là địa phương đầu tiên đưa ra phương án tổ chức sản xuất an toàn sau ngày 18/9. Cộng đồng doanh nghiệp tại đây đánh giá, đến cuối tháng 9 sẽ là giai đoạn đầu tái sản xuất nên rất cần có chính sách mới về thẻ xanh vaccine cho công nhân có thể đi lại.

Từ cuối tháng 9 sẽ là lúc các doanh nghiệp phía Nam bước vào giai đoạn phục hồi sản xuất kinh doanh. Do vậy, ngay từ lúc này, vấn đề liên kết vùng và di chuyển của công nhân, chuyên trở nguyên vật liệu cần phải ưu tiên tháo gỡ thật nhanh để tạo điều kiện và cơ hội cho các doanh nghiệp.

Những rào cản

Đẩy nhanh phục hồi sản xuất kinh doanh khi dịch bệnh đang từng bước được khống chế tốt hơn là mong mỏi của các doanh nghiệp, hộ kinh doanh vào lúc này. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương vẫn có những cách làm, cách hiểu cứng nhắc trong phòng chống dịch, thậm chí tạo thêm các rào cản không cần thiết khiến cho việc phục hồi sản xuất kinh doanh gặp rất nhiều khó khăn.

Theo ông Phạm Ngọc Hưng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP. Hồ Chí Minh, hiện nay doanh nghiệp kẹt cứng là vấn đề là logistics, bởi chủ trương, chính sách của mỗi tỉnh, mỗi địa phương nó đều có sự không đồng bộ. Khiến cho nguồn nguyên vật liệu đến xí nghiệp bị kẹt, hoặc khi có hàng hóa xong thì không thể đưa đến nơi phân phối.

Cùng quan điểm Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam - Trường Đình Hòe cho rằng vấn đề hiện nay nó nằm ở khía cạnh của địa phương chứ không phải Chính phủ nữa. Bởi Chính phủ đã có chủ trương rồi.

"Nếu địa phương quan tâm đến việc sớm phục hồi sản xuất cho địa phương mình thì cần có những ứng xử hết sức mềm dẻo, động viên, sâu sát với doanh nghiệp để khuyến khích doanh nghiệp quay trở lại sản xuất chứ không phải ngồi chờ để họ nộp hồ sơ hay là ra những điều kiện để mà anh muốn sản xuất thì anh phải đạt những điều kiện này", ông Hòe nhấn mạnh.

Mở cửa lại nền kinh tế, lưu thông không thể mỗi nơi một phách - Ảnh 2.

Theo nhiều doanh nghiệp, vẫn đang có những rào cản trong vấn đề lưu thông (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

Để có cơ sở mở dần hoạt động giao thông trở lại trong giai đoạn "bình thường mới", Ban chỉ đạo phòng chống dịch của TP Hồ Chí Minh đang xây dựng Bộ tiêu chí đánh giá hoạt động giao thông vận tải an toàn với 10 tiêu chí để tính Chỉ số an toàn…

Trong đó có các tiêu chí bắt buộc là: Người phục vụ, lái xe phải đáp ứng điều kiện về tiêm vaccine phòng COVID-19 và phải xét nghiệm theo định kỳ…. Ngoài ra còn có 4 tiêu chí bổ sung như: Có thành lập ban chỉ đạo, có kế hoạch an toàn phòng, chống dịch tại đơn vị; vệ sinh, khử khuẩn, mức độ thông thoáng của phương tiện và có vách ngăn giữa lái xe và hành khách…

Hiện các tỉnh phía Nam hiện đã test nhanh cho khoảng 21.000 lượt lái xe. Trong bối cảnh các địa phương đang từng bước nới lỏng giãn cách thì Bộ Giao thông Vận tải cũng đang xây dựng kịch bản, phương án tổ chức giao thông, tổ chức vận tải trên 5 lĩnh vực để triển khai thực hiện trong tình hình mới.

Đại diện Bộ giao thông vận tải khẳng định, không thể để mỗi địa phương có bộ tiêu chí riêng để áp dụng cho các hoạt động vận tải liên tỉnh, mà việc tổ chức giao thông trong giai đoạn "bình thường mới" phải tuân thủ và dựa trên nguyên tắc hướng dẫn của ngành y tế đối với các đối tượng tham gia giao thông và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Mở cửa lại nền kinh tế, lưu thông không thể mỗi nơi một phách - Ảnh 3.

Đại diện Bộ giao thông vận tải khẳng định, không thể để mỗi địa phương có bộ tiêu chí riêng để áp dụng cho các hoạt động vận tải liên tỉnh (Ảnh minh họa - Ảnh: TTXVN)

"Một trong những điều quan trọng nhất là Bộ Y tế phải ban hành những tiêu chí để đảm bảo sự đi lại của người dân. Từ đấy ngành Giao thông vận tải căn cứ vào để xây dựng những kịch bản", Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ cho biết.

Thông thương vận tải hàng hóa đóng vai trò rất quan trọng để phục hồi sản xuất và từng bước phục hồi nền kinh tế. Không để ùn tắc tại bất cứ địa phương nào hay thời điểm nào và không phân biệt đối xử với từng loại hàng hóa thiết yếu là những yêu cầu đặt ra vào lúc này.

Tất cả các tuyến vận tải đều là luồng xanh, bảo đảm thông thoáng, thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển, lưu thông hàng hóa... cũng được coi là hướng đi chính cho giai đoạn "bình thường mới". Tất cả phải được thực hiện thống nhất mới tránh được việc gây khó khăn, tốn kém cho người dân và doanh nghiệp.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước