Là cơ sở sản xuất phân bón phục vụ cho nông nghiệp, số vốn công ty Tiến Nông, Thanh Hóa hiện có khoảng 60 tỷ đồng nhưng tổng dư nợ của doanh nghiệp tại các NHTM đã hơn 118 tỷ đồng. Hiện doanh nghiệp vẫn có nhu cầu vay thêm gần 100 tỷ đồng nữa để mở rộng sản xuất, nhằm triển khai mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi với nông dân. Qua đó, sẽ tạo ra những sản phẩm lúa gạo chất lượng cao đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, đem lại lợi ích cho nông dân và cả doanh nghiệp.
Tài sản, vốn liếng của doanh nghiệp ít, nhưng nhu cầu vay vốn lại cao đang là một nghịch lý. Tuy nhiên, với cách thức ứng dụng KHCN và mô hình liên kết với nông dân trong sản xuất của Tiến Nông có thể sẽ đem lại những hiệu quả về năng suất, chất lượng cho cả doanh nghiệp và người nông dân. Bởi vậy, cách tháo gỡ chính là cho vay tín chấp, đã được phía ngân hàng đưa ra. Đây cũng là chủ trương mà ngành ngân hàng xúc tiến trong thời gian tới đây nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, nhưng theo hướng tập trung vào những ngành nghề, doanh nghiệp có tình hình tài chính lành mạnh, làm ăn bài bản và mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao.
Tại buổi làm việc với tỉnh Thanh Hoá, người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước đã trực tiếp giải quyết nhiều kiến nghị từ phía doanh nghiệp và đề nghị địa phương tiếp tục phối hợp cùng NHNN đẩy mạnh chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, để kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.
Vốn hiện không thiếu, thậm chí các ngân hàng còn đang dư vốn, nên mức độ sẵn sàng cho vay và muốn cho vay là thực tế nhưng đồng vốn cho vay phải phát huy hiệu quả, qua đó góp phần tái cơ cấu cách thức sản xuất cũng là điều phải được chú trọng. Cơ chế cho vay bằng tín chấp cũng sẽ được các ngân hàng đẩy mạnh trong thời gian tới. Những dự án tốt, doanh nghiệp chứng minh được dòng tiền, doanh thu ổn định, làm ăn bài bản và có hiệu quả... đều được các NHTM xem xét cho vay đầy đủ kể cả hình thức tín chấp.