Toàn tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam dự kiến sẽ bắt đầu từ ga Ngọc Hồi, Hà Nội, đi qua 20 tỉnh, Thành phố và kết thúc tại ga Thủ Thiêm của TP. Hồ Chí Minh. Nhìn từ kinh nghiệm của các quốc gia đã có đường sắt tốc độ cao, những khu vực quanh các nhà ga đều có những bước phát triển đột phá về hạ tầng và kinh tế xã hội, đặc biệt là mô hình phát triển đô thị gắn với giao thông công cộng (hay còn gọi là mô hình TOD). Đây cũng chính là hướng đi mà chúng ta kỳ vọng khi có đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam trong tương lai.
Đây là vị trí dự kiến sẽ đặt ga đầu tiên của dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là ga Ngọc Hồi. Theo quy hoạch, nó nằm trọn trên hai xã thuộc Thanh Trì, TP. Hà Nội.
Ga Ngọc Hồi là ga đầu mối đã được Hà Nội quy hoạch trong khu đất khoảng 114 ha. Khi được chọn làm ga đầu tiên của đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Hà Nội tiếp tục trình Chính phủ phương án mở rộng quy hoạch thêm 130 ha. Mục đích sử dụng là để xây các ga đường sắt tốc độ cao, ga đường sắt thường và đường sắt đô thị. Cùng với đó sẽ bố trí luôn cả khu depot tập kết và quay đầu tàu, các khu thương mại dịch vụ và logistics.
Ông Đào Minh Tâm - Trưởng phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội cho biết: "Vị trí ga Ngọc Hồi đã được lựa chọn là ga đầu mối phía Nam, kết nối các tuyến đường sắt đi phía Nam rồi đường sắt tốc độ cao và hệ thống đường sắt vành đai phía Đông và phía Tây. Tại đây, TP. Hà Nội cũng nghiên cứu kết nối các hệ thống đường sắt đô thị đấu nối vào khu vực ga Ngọc Hồi để trung chuyển hành khách".
Đại diện Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội đánh giá, với tổng diện tích khoảng 250 ha, lại chủ yếu là đất nông nghiệp nên từ quy hoạch đến triển khai thực hiện sẽ thuận lợi để tổ hợp ga Ngọc Hồi có thể tạo lập không gian phát triển đô thị mới, gắn với giao thông công cộng (TOD) tại khu vực Nam Hà Nội.
Ông Đào Minh Tâm - Trưởng phòng Quy hoạch hạ tầng kỹ thuật, Sở Quy hoạch - Kiến trúc Hà Nội chia sẻ: "Tại khu vực này sẽ đưa ra làm tăng các giá trị quỹ đất, đưa ra các lợi thế về mặt vị trí để tăng các nguồn thu cho Thành phố để đầu tư ngược lại cho cái hệ thống ngân sách đô thị".
Các tuyến đường kết nối từ bên ngoài vào tổ hợp ga Ngọc Hồi cũng đang tích cực được triển khai, để giải tỏa hành khách nhanh chóng khi có đường sắt tốc độ cao.
Ông Nguyễn Huy Toàn - Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì, TP. Hà Nội nêu ý kiến: "Đường 1A tới cuối năm nay khả năng sẽ hoàn thành để kết nối khu vực đó, và đường kết nối với khu vực phía Tây đối với khu vực huyện Thanh Oai chúng tôi đã hoàn thành đến cái điểm nút của ga là cơ bản. Ngoài ra, đường 3,5 Thành phố đang phê chuyển khai giải phóng mặt bằng".
Hà Nội cũng xác định tổ hợp ga Ngọc Hồi sẽ là đầu mối TOD cho cả vùng. Dự kiến, nguồn thu từ khai thác quỹ đất và thương mại dịch vụ của mô hình TOD từ đường sắt tốc độ cao ít nhất khoảng 22 tỷ USD.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!