Thường trú Đài Truyền hình Việt Nam tại Trung Quốc.-Thứ hai, ngày 30/09/2024 06:33 GMT+7
Cùng với đường bộ cao tốc thì đường sắt tốc độ cao ở Trung Quốc hiện được xem là xương sống trong kết nối các tỉnh thành với các vùng kinh tế trọng điểm. Loại hình vận tải này đã góp phần đánh thức các tiềm năng về kinh tế, du lịch - dịch vụ ở các tỉnh, thành có nhà ga. Chính vì vậy, đường sắt tốc độ cao đã góp phần quan trọng vào sự phát triển vượt bậc về kinh tế và kinh tế đã góp phần vào sự phát triển vượt bậc của đường sắt tốc độ cao tại Trung Quốc.
Quảng Đông tỉnh dẫn đầu GDP, đông dân nhất Trung Quốc, 127 triệu dân - hình mẫu trong đầu tư nguồn lực tại chỗ để kết nối cơ bản đường sắt cao tốc đến các địa phương trọng điểm. Tuyến đường sắt cao tốc từ Mai Long, dài 98km, vận tốc 350km/h vừa đưa vào vận hành có ý nghĩa quan trọng đẩy nhanh quá trình hội nhập cho các thành phố ở Quảng Đông kết nối vào Vùng Vịnh Lớn - gồm các thành phố ven biển Trung Quốc đại lục và HongKong, Macau. Thời gian di chuyển từ TP Mai Châu đến 2 thành phố trung tâm của tỉnh Quảng Đông là TP Quảng Châu và Thâm Quyến trong khoảng 2h15 phút đến 3h20 phút.
"Trước đây chúng tôi rất sợ đi du lịch Mai Châu vì đây là một chuyến đi dài và chắc chắn cần phải ở lại qua đêm trên tàu hỏa chậm. Nhưng bây giờ, sau khi uống trà sáng ở Quảng Châu, chúng tôi có thể ăn mì trộn và canh đầu cá - đậu phụ ở Mai Châu vào buổi trưa", ông Châu Vân Tiên, hành khách từ Macau, Trung Quốc chia sẻ.
Đoạn cao tốc Mai Long này kéo dài 290km đường sắt cao tốc từ tỉnh Quảng Đông đến tỉnh Phúc Kiến rút ngắn đáng kể thời gian đi lại giữa các vùng trọng điểm kinh tế ven biển. Tuyến đường sắt cao tốc xuyên biển đầu tiên của Trung Quốc, Phúc Châu - Hạ Môn - Chương Châu dài 278km tỉnh Phúc Kiến đã thử nghiệm nghiệm thu tĩnh, dự kiến đưa vào hoạt động trong năm nay sau 7 năm xây dựng.
Ông Yu Shao He - Công ty Đường sắt Nam Xương, Tập đoàn Đường sắt Trung Quốc cho hay: "Tuyến đường sắt cao tốc xuyên biển này sẽ cải thiện hơn nữa mạng lưới đường sắt cao tốc ven biển phía Đông Nam và thúc đẩy kết nối giữa Con đường tơ lụa trên biển và các cụm đô thị ở đồng bằng sông Trường Giang và Khu vực Vịnh Lớn. Nó cũng sẽ thúc đẩy sự phát triển kinh tế và xã hội của khu vực dọc theo ".
Trung Quốc đang trong giai đoạn nâng cao chất lượng phục vụ, đẩy mạnh đầu tư những tuyến tàu cao tốc 300 - 350km/h. Làm chủ công nghệ đường sắt cao tốc, chuỗi công nghiệp phụ trợ khép kín, nguồn vốn được ưu tiên là những yếu tố khiến cho đường sắt cao tốc tại đất nước tỷ dân phát triển nhanh nhất thế giới, góp phần đáng kể vào các mục tiêu tăng trưởng kinh tế, rút ngắn khoảng cách vùng miền.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!