Mở thêm nhiều cơ hội xuất khẩu trái cây tươi

Tài Phan (Trung tâm Tin tức VTV24)-Thứ tư, ngày 29/08/2018 09:59 GMT+7

VTV.vn - Bộ trưởng phụ trách Thương mại, xuất khẩu, Nông nghiệp và An toàn thực phẩm New Zealand cho biết trái bưởi Việt Nam có thể sẽ được xúc tiến xuất khẩu vào quốc gia này.

Đây là một triển vọng lạc quan, bởi theo thống kê, Việt Nam đã xuất khẩu 10.000 tấn bưởi trong năm 2017, tăng gấp đôi so với năm trước đó.

Theo Thời báo Kinh doanh, thông tin này là chuỗi nối dài những tín hiệu khả quan cho lĩnh vực xuất khẩu trái cây tươi. Bởi mới hồi tháng 4/2018, Việt Nam là quốc gia đầu tiên được phép xuất khẩu chôm chôm vào New Zealand. Trước đó, năm 2011 và 2014, xoài và thanh long Việt Nam lần lượt tiếp cận thị trường cao cấp này. Điều đó phần nào khẳng định vị thế trái cây Việt.

Tới nay, trái cây Việt đã có mặt ở 180 quốc gia trên thế giới. Các thị trường có yêu cầu khắt khe nhất thế giới về kiểm dịch thực vật như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand đều mở cửa cho trái cây tươi của Việt Nam. Điển hình như New Zealand, ngay trong chuyến thăm lần này, Bộ trưởng phụ trách Thương mại, xuất khẩu, Nông nghiệp và An toàn thực phẩm quốc gia này cũng bày tỏ mong muốn gia tăng hợp tác xuất khẩu thêm nhiều loại trái cây nhiệt đới khác của Việt Nam.

Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng sẵn có cũng chưa hề đơn giản - "Xuất khẩu trái cây: Dễ mà khó" là tít bài trên tờ Kinh tế & Đô thị. Bởi trước tiên, đó là vấn đề chi phí vận chuyển, chiếu xạ, đóng gói để đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, bảo quản là khoản chi phí đáng kể với doanh nghiệp.

Mở thêm nhiều cơ hội xuất khẩu trái cây tươi - Ảnh 1.

Bên cạnh đó, chính những đòi hỏi khắt khe về chất lượng của nước nhập khẩu cũng trở thành bài toán khó. Đơn cử như trái vải của Việt Nam được thâm nhập thị trường Australia sau 10 năm đàm phán. Thế nhưng, đến nay, sau 3 năm triển khai, số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu giảm tới 70% do không đáp ứng được yêu cầu từ phía Australia.

Một doanh nghiệp ngậm ngùi chia sẻ trên tờ Kinh tế & Đô thị rằng mối lo lớn nhất là khó kiểm soát dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Chỉ 1 lô vi phạm an toàn thực phẩm, doanh nghiệp thiệt hại bằng 15 lô xuất thành công mà chưa kể còn bị tăng tần suất kiểm tra lên 50 - 100% chứ không chỉ 5% như trước.

Để khắc phục những vấn đề này, theo doanh nghiệp và thương vụ Việt Nam, đòi hỏi một giải pháp dài hơi. Doanh nghiệp cần có sự đầu tư về kho lạnh, cơ sở đóng gói và chiếu xạ đủ tiêu chuẩn ngay tại vùng trồng để tiết giảm chi phí. Hơn hết, các địa phương cần có sự hướng dẫn với chính người nuôi trồng để thay đổi thói quen sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và các loại hoạt chất nhằm hạn chế rủi ro khi tuân thủ quy định chất lượng của nhà nhập khẩu.

Thanh long xuất khẩu phụ thuộc vào một thị trường Thanh long xuất khẩu phụ thuộc vào một thị trường Quả vải Việt Nam tiếp tục lên đường sang Australia Quả vải Việt Nam tiếp tục lên đường sang Australia Quả vải Việt Nam vào thị trường Canada Quả vải Việt Nam vào thị trường Canada

Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước