Báo cáo từ Bộ Tài chính cho biết, thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2023 đạt 362.300 tỷ đồng (tương đương hơn 6.038 tỷ đồng/ngày). Mức thu này bằng 22,4% dự toán, tăng 10,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong đó, thu nội địa đạt 23,6% dự toán (tăng 17% so với cùng kỳ năm 2022), thu từ dầu thô đạt 25,7% dự toán (tăng 13,2%), thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 15% dự toán.
Bộ Tài chính cho biết, một số khoản thu, sắc thuế có tiến độ thu đạt khá so dự toán, chủ yếu do tập trung thu các khoản phát sinh quý IV/2022 (thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập cá nhân) theo chế độ thực hiện kê khai nộp ngân sách trong quý I/2023, như: Thu từ khu vực doanh nghiệp nhà nước (đạt 25,8% dự toán), thu từ khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (đạt 24,3% dự toán), thu từ khu vực kinh tế ngoài quốc doanh (đạt 26,1% dự toán), thuế thu nhập cá nhân (đạt 23% dự toán); thu từ hoạt động xổ số kiến thiết (đạt 24,3% dự toán); thu cổ tức, lợi nhuận, lợi nhuận sau thuế, chênh lệch thu chi Ngân hàng Nhà nước (đạt 53,2% dự toán); thu khác ngân sách nhà nước (đạt 49% dự toán).
Về số thu trên địa bàn, theo Bộ Tài chính, có 24/63 địa phương thu cao hơn so với cùng kỳ, 39 địa phương thu thấp hơn so với cùng kỳ. Uớc tính có 36/63 địa phương thực hiện thu nội địa 02 tháng đạt trên 18% dự toán, như: Hà Nội đạt 31,8%, Bắc Giang đạt 26,4%, Lạng Sơn đạt 25%, Kiên Giang đạt 24,8%, Bắc Ninh đạt 24,7%...
Trong chiều ngược lại, luỹ kế chi 2 tháng ước đạt gần 242.000 tỷ đồng, bằng 11,7% dự toán, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy sau 2 tháng đầu năm, ngân sách nhà nước bội thu khoảng hơn 120.000 tỷ đồng.
Thu ngân sách nhà nước 2 tháng đầu năm 2023 đạt 362.300 tỷ đồng
"Trong thời gian tới sẽ tiếp tục tăng cường quản lý, thu nộp ngân sách nhà nước đối với hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán, giao dịch thương mại điện tử, thu từ các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam", Bộ Tài chính cho biết.
Ước tính trong 2 tháng đầu năm đã thu 1.855 tỷ đồng từ các nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam.
44 Bộ "có tiền không chịu tiêu"
Liên quan đến tình hình giải ngân kế hoạch vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước, báo cáo của Bộ Tài chính cho biết tỷ lệ ước giải ngân 2 tháng kế hoạch năm 2023 đạt 6,55% kế hoạch. Nếu so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thì tỷ lệ giải ngân đạt 6,97%, thấp hơn so với cùng kỳ năm 2022 (8,61%). Trong đó vốn trong nước đạt 7,24% (cùng kỳ năm 2022 đạt 9,22%), vốn nước ngoài đạt 0,40% (cùng kỳ năm 2022 đạt 0,20%).
Theo Bộ Tài chính, có 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 10%. Một số Bộ, địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt cao gồm: Điện Biên (23,44%), Tiền Giang (21,04%), Lâm Đồng (20,31%). Có 50/52 Bộ và 19/63 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 5%, trong đó có 44 Bộ chưa giải ngân kế hoạch vốn.
Tổng kế hoạch đầu tư công nguồn NSNN năm 2023 là 764.384 tỷ đồng Trong đó, vốn trong nước là 735.384 tỷ đồng, vốn nước ngoài là 29.000 tỷ đồng. Theo Bộ Tài chính, kế hoạch vốn đã giao là 751.496 tỷ đồng; kế hoạch vốn chưa giao là 12.887 tỷ đồng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!