Một tuần điên đảo của giá vàng, dầu

PV-Thứ bảy, ngày 05/03/2022 19:39 GMT+7

VTV.vn - Giá vàng thế giới tăng hơn 30 USD một ounce, trong khi giá dầu Brent cũng tiến lên sát 120 USD một thùng.

Giá vàng tăng hơn 4% trong tuần qua

Trong phiên 4/3, giá vàng thế giới tăng hơn 1% giữa lúc các nhà đầu tư ngày một lo lắng về diễn biến phức tạp xung quanh cuộc xung đột vũ trang giữa Nga và Ukraine.

Phiên này, giá vàng kỳ hạn Mỹ đã tăng 30,70 USD (tương đương 1,6%) lên 1.966,60 USD/ounce.

Một tuần điên đảo của giá vàng, dầu - Ảnh 1.

Giá vàng đã tăng hơn 4% trong tuần qua. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg)

Thông tin về việc nhà máy hạt nhân của Ukraine bị tấn công đang làm dấy lên lo ngại rằng xung đột giữa nước này với Nga đang trở nên nguy hiểm hơn.

Trong bối cảnh này, nhà phân tích Ole Hansen của ngân hàng Saxo cho hay, cuộc khủng hoảng Nga - Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ triển vọng cho giá kim loại quý này tăng cao hơn. Điều đó không chỉ do hoạt động trú ẩn an toàn ngắn hạn, mà quan trọng hơn là do căng thẳng này sẽ có ý nghĩa ra sao đối với tình hình lạm phát, tăng trưởng và kỳ vọng nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương lớn trên thế giới.

"Thị trường vàng phần lớn đã "phớt lờ" mức tăng 1% của đồng USD, vốn cũng là một kênh trú ẩn an toàn, cùng khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất vào cuối tháng này sau số liệu việc làm mới nhất", giới quan sát lưu ý.

Nhìn chung, giá vàng đã có một tuần khá "rực rỡ" với 4 phiên tăng và chỉ 1 phiên giảm.

Phiên đầu tuần 28/2, giá vàng giao kỳ hạn tại sàn COMEX của thị trường New York tăng 13,1 USD (tương đương 0,69%) lên 1.900,7 USD/ounce trong bối cảnh căng thẳng tại Ukraine không có dấu hiệu giảm leo thang. Mỹ cùng các đồng minh bổ sung lệnh trừng phạt mới với Nga vào cuối tuần trước. Trong khi các cuộc đàm phán giữa Nga và Ukraine vẫn chưa có kết quả.

Đà tăng tiếp tục trong phiên 1/3, khi giới đầu tư đẩy mạnh chuyển hướng vào vàng - vốn được coi là tài sản an toàn trong những giai đoạn bất ổn về kinh tế và địa chính trị. Cụ thể, giá vàng giao tháng 4/2022 tăng 43,1 USD (2,27%) lên 1.943,8 USD/ounce.

Bước sang ngày 2/3, giá vàng thế giới giảm 1,1% và đóng cửa ở mức 1.922,30 USD/ounce, khi lợi suất trái phiếu chính phủ của Mỹ và tâm lý ưa rủi ro của giới đầu tư gia tăng.

Phiên 3/3, giá vàng tăng trở lại khi căng thẳng giữa Nga và Ukraine trở lại tâm điểm chú ý của thị trường. Phiên này, giá vàng kỳ hạn tăng 13,6 USD (0,71%) và chốt phiên ở mức 1.935,9 USD/ounce. Các số liệu về kinh tế Mỹ được công bố cùng ngày cũng hỗ trợ giá vàng.

Với mức tăng khá tốt trong phiên 4/3, giá vàng đã tiến thêm 4,2% trong tuần qua, đánh dấu mức tăng hàng tuần lớn nhất đối với một hợp đồng kỳ hạn kể từ tháng 7/2020.

Giá vàng có thể tăng vượt 2.000 USD/ounce

Trong phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ đầu tuần này, Chủ tịch FED Jerome Powell cho biết ông sẽ đề xuất tăng lãi suất chuẩn thêm 25 điểm cơ bản (0,25 điểm %) nhằm chống lại lạm phát leo thang. Tuy nhiên ông cũng không bỏ qua khả năng FED sẽ "mạnh tay" hơn trong trường hợp giá cả diễn biến khó lường.

"Động thái tăng lãi suất của FED đang giới hạn đà tăng tiềm năng của vàng cùng các kim loại quý khác. Điều đó có thể khiến vàng trở nên kém hấp dẫn hơn trong bối cảnh lãi suất tăng", ông Rupert Rowling, nhà phân tích thị trường tại công ty giao dịch kim loại quý Kinesis Money, nói.

Trong khi ông Jeff Wright, Giám đốc đầu tư tại công ty môi giới tài chính Wolfpack Capital, nhận định giá vàng có thể nhanh chóng tăng lên trên 2.000 USD/ounce, nếu tình hình Ukraine diễn biến xấu hơn, hoặc giảm mạnh nếu có một số biện pháp giải quyết thực chất cho cuộc xung đột Nga - Ukraine. Song ông cho rằng kịch bản giảm đang ngày càng ít khả năng thành hiện thực.

Ole Hansen, nhà phân tích tại Saxo Bank, cho rằng khủng hoảng Nga - Ukraine sẽ tiếp tục hỗ trợ kim loại quý trong tương lai. Căng thẳng không chỉ tác động đến nhu cầu mua trú ẩn, mà quan trọng hơn, nó còn ảnh hưởng đến lạm phát, tăng trưởng và dự báo nâng lãi suất của các ngân hàng trung ương.

Dầu ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất từ năm 2020

Một tuần điên đảo của giá vàng, dầu - Ảnh 2.

Giá dầu vẫn tiếp tục nới rộng đà tăng. (Ảnh minh họa - Ảnh: istock)

Trên thị trường dầu, giá dầu thế giới tăng mạnh trong phiên 4/3, kết thúc tuần giao dịch ở mức cao nhất trong nhiều năm, khi căng thẳng Nga - Ukraine leo thang và người mua trên thị trường không muốn mua dầu từ Nga.

Khép phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 7,65 USD (6,9%), lên 118,11 USD/thùng. Trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 8,01 USD (7,4%) và đóng phiên ở mức 115,68 USD/thùng.

Các mức đóng phiên ngày 4/3 là mức đóng phiên cao nhất kể từ tháng 3/2013 đối với dầu Brent và kể từ tháng 9/2008 đối với dầu WTI.

Tuần qua, giá dầu Brent đã có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 5/2012 và dầu WTI lên mức cao nhất kể từ tháng 9/2008.

Giá dầu thô đã ghi nhận tuần tăng giá mạnh nhất kể từ giữa năm 2020. Tổng cộng cả tuần, giá dầu Brent tăng 21, dầu WTI tăng 26%.

Giá dầu tăng mạnh trong suốt tuần qua, khi Mỹ và các nước đồng minh ban hành các lệnh trừng phạt đối với Nga và chặn nhiều ngân hàng của nước này khỏi hệ thống thanh toán quốc tế SWIFT, có thể gây gián đoạn nghiêm trọng cho hoạt động xuất khẩu dầu của Nga.

Hiện Nga xuất khẩu 4 - 5 triệu thùng dầu mỗi ngày và là nước xuất khẩu dầu thô lớn thứ 2 thế giới sau Saudi Arabia. Trong tuần qua, các nhà giao dịch gần như không thể bán được dầu của Nga. Ngày 4/3, Shell PLC là đơn vị duy nhất mua dầu của Nga với mức giá rẻ hơn dầu Brent đến 28 USD.

Mới đây, dưới áp lực từ các nghị sỹ ở lưỡng đảng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết đang xem xét các phương án cắt giảm lượng dầu nhập khẩu từ Nga. Trong khi Anh sẽ nhằm vào lĩnh vực năng lượng của Nga ở các đợt trừng phạt tiếp theo trong tương lai.

Còn Canada trong tuần này đã cấm nhập khẩu dầu của Nga. Nhiều công ty lọc dầu đã ngừng mua dầu của Nga. Các công ty thương mại cũng không muốn giao dịch với những người bán ở Nga do lo ngại các lệnh trừng phạt.

Nga đang đối mặt với nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng trong hoạt động xuất khẩu tất cả các loại hàng hóa, từ dầu đến ngũ cốc, sau khi các nước phương Tây áp đặt các lệnh trừng phạt cứng rắn với Nga và loại nhiều ngân hàng của nước này khỏi hệ thống SWIFT.

Goldman Sachs dự đoán giá các loại hàng hóa mà Nga là nhà sản xuất lớn từ nay sẽ tăng mạnh. Nngân hàng này đã nâng mức giá dự đoán của dầu Brent từ 95 USD/thùng lên 115 USD/thùng.

Trong khi đó, giải pháp gia tăng nguồn cung là điều không thể trong ngắn hạn. Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là OPEC+, đã giữ nguyên kế hoạch chỉ tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày tài cuộc họp ngày 2/3.

Nhu cầu dầu thô trên toàn thế giới đã gần chạm các mức trước đại dịch, trong khi nguồn cung thiếu hụt, khiến nhiều nước lớn phải dùng đến kho dự trữ chiến lược để xoa dịu tình hình trước mắt.

Việc các nước thành viên Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) nhất trí giải phóng 60 triệu thùng dầu từ các kho dự trữ chiến lược đã không thể trấn an thị trường và giá dầu vẫn tiếp tục nới rộng đà tăng.

Giá vàng vượt mốc 68 triệu đồng/lượng Giá vàng vượt mốc 68 triệu đồng/lượng

VTV.vn - Giá vàng miếng liên tục tăng vọt lên đỉnh cao mới. Hiện giá vàng trong nước đã vượt mức mốc 68 triệu đồng/lượng, mức chưa từng có trong lịch sử giao dịch.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước