Chứng khoán thế giới tăng điểm
Sau một tuần hứng khởi với những chuyển động từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Fed, Phố Wall dường như tương đối "yên bình" trong phiên hôm nay.
Đáng chú ý là chỉ số công nghiệp Dow Jones tiếp tục chốt phiên đi lên gần 0,1%, đánh dấu phiên tăng điểm thứ 5 liên tiếp, và cũng là chuỗi tăng dài nhất từ cuối năm ngoái. S&P 500 cũng tăng điểm nhẹ, chỉ có chỉ số Nasdaq bất ngờ quay đầu giảm vào cuối phiên. Cùng với đà tăng của chứng khoán, thị trường trái phiếu Mỹ cũng biến động nhẹ với lợi suất kỳ hạn 10 năm giảm khoảng 3 điểm phần trăm
Không chỉ tại Mỹ, nhiều thị trường chứng khoán của châu Âu cũng tăng điểm tích cực ở phiên vừa qua. Trong đó chỉ số tổng hợp Stoxx 600 tăng hơn 1%, đánh dấu phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp, các chỉ số của thị trường Đức, Anh, Pháp đồng loạt cũng đi lên, gắn với kỳ vọng từ các nhà đầu tư về khả năng Fed hạ lãi suất trong cuối năm nay.
Phố Wall dường như tương đối "yên bình" trong phiên hôm nay
Tín hiệu từ Fed với thị trường Mỹ tuần này
Tuần giao dịch này đang được xem là một tuần "yên bình" trên nhiều thị trường toàn cầu, đặc biệt là tại Mỹ trong bối cảnh Fed vừa kết thúc cuộc họp chính sách và khoảng 80% công ty đã báo cáo doanh thu quý trước.
Gọi là tuần yên bình với thị trường chứng khoán Mỹ vì sẽ không có dữ liệu kinh tế vĩ mô nào được công bố. Nhưng đổi lại, người ta sẽ được lắng nghe những phát biểu từ các quan chức của Fed trong các hội nghị. Có tới 9 người sẽ nói chuyện trong tuần này. Và đây được xem là gia vị cho các quyết sách mà Fed có thể đưa ra.
Một trong các trang tin của Cục dự trữ Liên bang Mỹ lý giải tại sao các quan chức của Fed lại hay đối thoại với công chúng như thế? Theo bài báo, nó liên quan tới tính minh bạch của Fed, điều này rất quan trọng đối với hiệu quả của chính sách tiền tệ. Các hình thức giao tiếp của quan chức Fed có thể giúp cải thiện các dự báo kinh tế của công chúng và sự hiểu biết của họ về tình trạng hiện tại của nền kinh tế.
Trang Bloomberg cũng cho rằng hình thức trao đổi thông tin rộng rãi sẽ giúp nền kinh tế và thị trường có chuyển dịch chính sách một cách "mượt mà" hơn. Trích phân tích của Financial Times, tờ báo bình: chính sách tiền tệ thúc đẩy nền kinh tế thông qua tác động lên niềm tin hay tâm lý, cũng giống như bất cứ công cụ tài chính nào như lãi suất chẳng hạn. Nhưng hình thức này cũng nên được sử dụng ở mức vừa phải để tránh tác dụng ngược.
Tác dụng ngược là khi các quan chức Fed có thể nhiều quan điểm khác nhau, dễ gây "nhiễu sóng" cho thị trường. Nhưng tuần này, quan điểm có thể không còn khác nhau nhiều, khi trong cuộc họp tuần trước họ đều đồng thuận về bước đi tiếp theo.
Trang Marketwatch trích lời các chuyên gia kinh tế của Citigroup bình: "các phát ngôn từ Fed tuần này sẽ giúp xác định xem liệu những bình luận ôn hoà (hay bồ câu) của chủ tịch Powell có phản ánh quan điểm chung của Uỷ ban thị trường mở hay không"
Nhưng chủ tịch Fed tại New York - ông John Williams có bài nói chuyện đầu tiên vào ngày thứ hai cho thấy là có. Ông này cũng nghĩ "không thấy cấp bách trong việc phải hạ lãi suất" và "chính sách tiền tệ đang thực hiện chính xác những gì người ta muốn thấy". Và việc tăng lãi suất khó xảy ra.
Về thị trường trong tuần vắng dữ liệu này, trang Marketwatch thống kê, đây lại là các tuần tốt nhất cho cổ phiếu. Kể từ năm 2014 tới giờ, chỉ số S&P 500 vốn hoá lớn (SPX) đã tăng trung bình 0,6% trong các tuần không có dữ liệu kinh tế vĩ mô quan trọng. Trong khi các tuần khác, chỉ số này chỉ tăng trung bình 0,2%.
Bên cạnh các phát biểu từ các quan chức của Fed, tuần này, các nhà đầu tư sẽ có thêm chút gia vị là 56 công ty còn lại trong S&P 500 công bố lợi nhuận. Nhưng dự báo hiện tại cho thấy lợi nhuận quý I của các công ty đều có thể tốt hơn kỳ vọng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!