Dữ liệu cá nhân đang bị mua bán như một mặt hàng, để lại những hậu quả như bị làm phiền, bôi nhọ hình ảnh, thậm chí có những người còn mất tiền tỷ.
Sau 3 ngày liên tiếp nhận điện thoại uy hiếp của nhóm đối tượng giả danh công an, một người phụ nữ như bị khống chế, toàn bộ lịch trình di chuyển, những công việc đã và đang làm đều bị các đối tượng nắm rõ. Các đối tượng yêu cầu nạn nhân rút 6 tỷ đồng tiền tiết kiệm gửi tại 3 ngân hàng vào tài khoản các đối tượng chỉ định.
"Họ yêu cầu tôi sử dụng điện thoại, sau đó các đối tượng yêu cầu tôi điền thông tin cá nhân, số tài khoản ngân hàng và mã OTP", người phụ nữ này cho biết.
Lực lượng công an xác định, việc chuyển và rút tiền đều được tiến hành bằng các tài khoản giả mạo, với thủ thuật ăn cắp thông tin của người khác, làm giả chứng minh thư để mở tài khoản ngân hàng. Tuy nhiên, công tác phối hợp của các đơn vị còn nhiều hạn chế.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng dữ liệu cá nhân hiện vẫn chưa được xem là tài sản, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe. (Ảnh minh họa)
"Cơ quan chúng tôi muốn phong tỏa thì phải thực hiện một số thủ tục nhất định, khi bị hại chuyển tiền cho đối tượng, đối tượng lại chuyện vào các tài khoản khác và khi chúng tôi đưa văn bản đến nơi thì các đối tượng đã chuyển số tiền đó đi", Trung tá Lê Văn Dĩnh, Phó Trưởng phòng 8, Cục Cảnh sát hình sự, Bộ Công an, cho biết.
"Các đối tượng làm giả chứng minh, bóc ảnh của người dân và dán ảnh của các đối tượng vào và mở hàng trăm tài khoản. Vì vậy, cơ quan ngân hàng phải nâng cao nghiệp vụ, khả năng nhận biết để xác định được giấy tờ giả đó. Ngân hàng Nhà nước cũng phải đưa ra những chế tài", Đại tá Nguyễn Bình, Trưởng Phòng cảnh sát hình sự Công an Hà Nội, nhận định.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng cho rằng, bộ hành lang pháp lý hiện hành vẫn chưa phù hợp với thực tiễn, dữ liệu cá nhân vẫn chưa được xem là tài sản, chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Cũng theo đại diện Bộ Tư pháp, trong thời gian tới, Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Công an và các đơn vị liên quan sẽ có những đề xuất, kiến nghị, rà soát hoàn thiện hành lang pháp lý để phù hợp hơn với thực tiễn.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!