Hà Nội có rất nhiều chung cư cao tầng, điều này gây áp lực lớn với việc quản lý cư dân.
Theo qui định của Luật cư trú 2020 được Quốc hội thông qua ngày 13/11/2020, từ ngày 1/7/2021, thời điểm Luật này có hiệu lực, nếu mua nhà tại Hà Nội (có chỗ ở hợp pháp tại Hà Nội) thì sẽ có hộ khẩu tại Hà Nội nếu thực hiện đầy đủ thủ tục đăng ký thường trú theo quy định.
Cụ thể, khoản 1 Điều 20 Luật 2020 nêu rõ: Công dân có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì được đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.
Luật mới đã bỏ quy định về điều kiện đăng ký thường trú tại thành phố trực thuộc Trung ương như quy định cũ tại Điều 20 Luật Cư trú năm 2006 sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Luật Cư trú sửa đổi năm 2013:
Có chỗ ở hợp pháp, trường hợp đăng ký thường trú vào huyện, thị xã thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 1 năm trở lên, trường hợp đăng ký thường trú vào quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương thì phải có thời gian tạm trú tại thành phố đó từ 2 năm trở lên…
Việc có được hộ khẩu Hà Nội là niềm mơ ước của nhiều người dân ngoại tỉnh. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Luật mới cũng quy định rõ nhà ở không thuộc các địa điểm không được đăng ký thường trú mới bao gồm: Chỗ ở là nhà ở đã có quyết định phá dỡ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; Chỗ ở mà toàn bộ diện tích nhà ở nằm trên đất lấn, chiếm trái phép…
Nhiều năm trước, việc có được hộ khẩu Hà Nội là niềm mơ ước của nhiều người dân ngoại tỉnh. Đây cũng chính là cơ hội để nhiều kẻ lợi dụng thu tiền, kiếm chác, làm hộ khẩu cho những người có nhu cầu. Với quy định mới của Luật Cư trú 2020, sổ hộ khẩu Hà Nội không có giá trị "trên giời" như trước.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!