Nguyên nhân là do thiếu nguồn vốn để cho vay, các địa phương còn chưa quan tâm đúng mức, các doanh nghiệp cũng không mặn mà đầu tư bởi ưu đãi chưa nhiều trong khi lợi nhuận thấp; thu nhập của người dân còn thấp so với giá nhà hiện nay. Cả nước mới có 204 dự án nhà ở xã hội đã hoàn thành, vẫn còn 220 dự án đang triển khai. Mục tiêu phát triển 12,5 triệu m2 nhà ở xã hội đến năm 2020 dường như là khó cán đích.
Theo Bộ Xây dựng, hoàn thiện các hệ thống quy định pháp luật về nhà ở xã hội, bổ sung nguồn vốn tín dụng và tạo các quỹ nhà ở là giải pháp căn bản giúp tháo gỡ phát triển nhà ở xã hội. Thực tế, nguồn vốn vay trung hạn để phát triển nhà ở xã hội giai đoạn 2016-2020 là 19.000 tỷ đồng, song đến nay mới cấp cho ngân hàng chính sách xã hội 1.200 tỷ, trong khi các ngân hàng thương mại vẫn chưa được cấp vốn hỗ trợ khiến nhiều dự án dậm chân tại chỗ.
Bộ Xây dựng đang kiến nghị Chính phủ xem xét bố trí thêm 2.000 tỷ đồng để vay ưu đãi phát triển nhà ở xã hội. Theo các chuyên gia, cần phải có thêm công cụ điều phối đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp, bố trí quỹ đất hợp lý, bổ sung nguồn tín dụng dài hạn bằng cách phát triển quỹ nhà ở cũng như huy động được nguồn vốn tư nhân để phát triển nhà ở xã hội.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!