Năm 2024: Tạo dựng nền tảng phục hồi vững chắc
Trao đổi với phóng viên VTV Times, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) đánh giá, năm 2024, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá của nước ta có sự phục hồi mạnh mẽ, nhất là đối với một số ngành chủ lực như linh kiện điện tử, điện thoại và các loại linh kiện, dệt may, da giày, nông sản... Hơn thế nữa, tại hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn đều đã phục hồi và tăng trưởng trở lại như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu, Nhật Bản... Theo thống kê mới nhất, kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt 786,29 tỷ USD, tăng 15,4% so với năm trước, trong đó xuất khẩu tăng 14,3%; nhập khẩu tăng 16,7%. Cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 24,77 tỷ USD.
Biểu đồ kim ngạch xuất khẩu các ngành hàng năm 2024
Điện thoại và các loại linh kiện là một trong những ngành ghi nhận sự phục hồi và tăng trưởng tích cực. Theo dữ liệu từ Tổng cục Hải quan (từ 1/1/2024 - 15/12/2024), giá trị xuất khẩu điện thoại và các loại linh kiện của nước ta đạt 51,6 tỷ USD, chiếm khoảng 13,3% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Bên cạnh đó, ngành hàng dệt may, da giày cũng phục hồi mạnh mẽ trong năm 2024. Trong đó, ngành dệt may đạt kim ngạch 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023. Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, sau Trung Quốc và vượt lên Bangladesh.
Về da giày, "ngành da giày đạt doanh thu 26 tỷ USD trong năm 2024, tăng khoảng 10% so với năm 2023. Hiện Việt Nam đang đứng thứ 3 về sản xuất với 1,4 tỷ đôi/năm, sau Trung Quốc và Ấn Độ; đứng thứ 2 về xuất khẩu với 1,3 tỷ đôi/năm, chỉ sau Trung Quốc", bà Phan Thị Thanh Xuân - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da giày - Túi xách Việt Nam cho hay.
Ngoài ra, xuất khẩu nông sản cũng đạt được bước tiến "khủng" trong năm 2024. Điển hình, kim ngạch xuất khẩu thủy sản ước đạt hơn 10 tỷ USD, tăng 12,1% so với năm 2023. Trong đó: Xuất khẩu tôm đã đạt được mức xuất khẩu gần 3,9 tỷ USD, tăng 15% so với năm 2023. Xuất khẩu cá tra cũng quay lại mốc 2 tỷ USD trong năm 2024, tăng 9% so với năm trước. Xuất khẩu hải sản khai thác cũng ghi nhận thành công với kim ngạch hơn 4 tỷ USD.
Năm 2024, nước ta chứng kiến xuất khẩu rau quả có bước "đại nhảy vọt", tăng hơn 27% so với năm 2023, và lần đầu tiên vượt qua ngưỡng 7 tỷ USD… Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam chia sẻ với báo giới, năm 2024, thị phần của rau quả Việt Nam tiếp tục tăng tại nhiều thị trường lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, Thái Lan…và đã có mặt trên hơn 60 thị trường.
Năm 2025, xuất khẩu đặt mục tiêu tăng trưởng 12%
Mới đây, Báo cáo Chiến lược đầu tư 2025 của Trung tâm Phân tích – Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt nhận định, năm 2025, xuất khẩu kỳ vọng tăng trưởng khoảng 10-12%. Con số này thấp hơn 2 - 4% so với mức tăng trưởng 14% của năm trước.
Giải thích về mức tăng trưởng sụt giảm này, nhóm chuyên gia của Trung tâm Phân tích – Công ty CP Chứng khoán Rồng Việt cho biết, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2025 đồng pha với chu kỳ hồi phục của tăng trưởng thương mại toàn cầu nhưng tăng trưởng thấp hơn năm 2024 do mức nền cao của cùng kỳ. Bên cạnh đó, sự gia tăng nhanh chóng của chi phí logistics cũng là một khó khăn lớn do các thị trường xuất khẩu chủ yếu là Mỹ, EU...với khoảng cách địa lý xa. Cùng đó là những yêu cầu mới về xanh hóa, về lao động đều đòi hỏi rất lớn đối với mỗi doanh nghiệp. Trong khi đó, giá xuất khẩu hầu như không tăng, thậm chí còn bị ép giảm và giá sản xuất từ Trung Quốc được lấy làm cơ sở để đàm phán, điều này cũng tạo ra khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam.
Về vấn đề này, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, trong bối cảnh nhiều yếu tố biến động khó lường ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá năm 2025, Bộ Công thương sẽ nỗ lực cao, đặt ra mục tiêu tổng kim ngạch xuất khẩu tăng từ 10-12% so với năm 2024. Cán cân thương mại tiếp tục có xuất siêu ở mức trên 20 tỷ USD.
"Tình hình xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2025 sẽ thuận lợi hơn nhờ tăng trưởng kinh tế và tăng trưởng thương mại toàn cầu đang phục hồi. Và hơn thế nữa là nhiều ngành xuất khẩu chủ lực của nước ta đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ trở lại", ông Hải lạc quan. Đồng thời phân tích thêm, trong năm 2024, xuất khẩu đến hầu hết các thị trường đã kí kết hiệp định thương mại tự do (FTA) đều đạt tăng trưởng cao. Đây là nền tảng vững chắc để xuất khẩu năm 2025 tăng trưởng khả quan.
Ngành da giày đã đem về giá trị xuất khẩu cao từ nhiều thị trường có FTA
Là một trong những ngành tận dụng hiệu quả các FTA, ngành da giày đã đem về giá trị xuất khẩu cao từ nhiều thị trường. Chia sẻ thêm về vấn đề này, bà Xuân cho biết, đến nay, ngành da giày tận dụng tốt các FTA đạt tới trên 96%. Những hiệp định lớn như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) hay Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)... mặt hàng da giày đều tận dụng tốt và đạt tăng trưởng rất cao. Đây cũng là một cơ hội tốt cho tăng trưởng xuất khẩu. "Tiếp đà tăng trưởng của nửa cuối năm 2024, năm nay, đơn hàng xuất khẩu da giày được dự báo khá ổn định", bà Xuân nói thêm.
Đối với ngành dệt may, năm 2025 được nhận định khá thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu và có cơ hội tăng trưởng tốt hơn tại một số thị trường nhập khẩu chính như Mỹ và EU khi các nền kinh tế lớn này đang phục hồi nhanh, nhu cầu chi tiêu của người dân cải thiện rõ nét.
Đối với ngành rau quả, dự báo về triển vọng của năm 2025, ông Bình nhận định, xuất khẩu rau quả sẽ đạt mốc 8 tỷ USD. Ngành hàng này đang đứng trước thời cơ lớn để gia tăng kim ngạch xuất khẩu, bởi nhu cầu thị trường thế giới ngày càng cao, còn rất nhiều dư địa mở rộng ở các thị trường lớn.../.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!