Từ 1m2 rau má Bến Tre xin được bây giờ khắp khuôn viên là cả… rừng rau má xanh mướt mắt phủ khắp, kết hợp với các khoảng xanh khác chiếm tới hơn 70% diện tích Khu nghỉ dưỡng, ông Trần Anh Thi, Tổng Giám đốc Khu nghỉ Seahorse Resort & Spa (Phan Thiết) mướt mải mồ hôi, dẫn phóng viên đi khắp "công trình" của mình, vừa đi vừa kể chuyện về việc làm du lịch, về việc kinh doanh "lòng mến khách" – nghề nghiệp mà ông đã theo đuổi gần 30 năm nay.
Ông mướt mải mồ hôi vào ngày - mà như ông chia sẻ là ngày nghỉ của bản thân, vì bận chỉ đạo nhân viên tưới tắm từng gốc cây, ngọn cỏ; vào bếp "thị sát" xem món Phở Hà Nội hôm nay ra sao, món Lẩu Thả mang thương hiệu riêng của Khu nghỉ có "vừa mồm" không; lắng nghe những phản hồi từ nhân viên về nhu cầu của du khách...
Không gian xanh đáng ngưỡng mộ, cho thấy bàn tay tỷ mỷ của người kỳ công chăm sóc - mà ông Trần Anh Thi đặc biệt tâm đắc về Khu nghỉ dưỡng mà mình đang quản lý.
Nói đến người đàn ông gốc Đà Lạt này, đặc biệt là trong cộng đồng điều hành các khu nghỉ cao cấp tại Mũi Né, Phan Thiết, không ai không biết đến ông. Ông nặng lòng với du lịch, nặng lòng với Mũi Né sau nhiều năm gắn bó với mảnh đất biển xanh, cát trắng và nắng vàng này và rất trung thành với lý tưởng đóng góp cho một nền du lịch Việt Nam bền vững.
Nhân năm du lịch quốc gia Bình Thuận, VTV News đã dịp được lắng nghe chia sẻ của ông về nghề nghiệp "làm dâu trăm họ" đầy áp lực này…
Trước khi người thực hiện bài viết này đặt ra câu hỏi đầu tiên, ông Trần Anh Thi có đặt ngược lại câu hỏi cho phóng viên rằng: Du lịch là gì? - Bởi theo ông Thi, nếu chúng ta không thực sự hiểu định nghĩa của từ này, thật khó để có thể nói đến chuyện làm du lịch.
"Trước kia nhà tôi cũng khá giả, nhưng thời gian tôi quyết định lựa chọn học du lịch, nói tếu táo, là tiền mua mì gói còn chẳng có mà ăn. Thời đó thì có biết du lịch là gì đâu. Năm 1988-89, tôi quyết định bỏ ra gần 1 cây vàng để tham gia khóa đào tạo đầu tiên về du lịch có chuyên gia nước ngoài giảng dạy, mục đích là để học tiếng Anh. Mà nghề này khắc nghiệt, 450 người học khi đó, giờ số người còn làm nghề chắc chỉ đếm trên đầu ngón tay" – ông Thi chia sẻ - "Bây giờ, mới bắt đầu hình thành khái niệm du lịch là "ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp siêu lợi nhuận. Tôi đồng ý với khái niệm này".
Lý giải cho nhận định của mình, ông Thi lấy ví dụ: "Năm 2004, tôi xuống dọn dẹp để mở khu Sea Horse này, để làm quen hàng xóm, tôi qua đường mời bác dân bản địa chai bia, mặt ông ấy toát lên niềm hạnh phúc: Sao lại được uống bia nhỉ? Nhưng rồi cách đây 5 năm, tôi qua mời ông ấy chai bia như thế, ông ấy không uống nữa. Ông ấy vui vẻ mời tôi 1 chai bia khác, đắt hơn chai bia tôi mời mấy bậc. Tôi tự suy nghĩ trong đầu rằng, làm gì có ngành nào có thể khiến đời sống của người dân thay đổi nhanh tới mức như vậy trong một khoảng thời gian ngắn, nếu không phải là nhờ phát triển du lịch?"
P.V: Ông đã nói về tác động của du lịch đến đời sống người dân, nhưng ông vẫn chưa nói đáp án cho câu hỏi: Du lịch là gì?
Ông Trần Anh Thi: Du lịch là trải nghiệm, là khám phá, là nghỉ dưỡng… rất đơn giản đúng không? Nhưng nhiều người chưa thực sự hiểu đâu. Du lịch nôm na là một dạng nhu cầu, giống như ăn uống, như hít thở… và chỉ thực sự bắt đầu hình thành được một thời gian ngắn thôi. Ở những quốc gia đã phát triển, sau 1 năm làm việc căng thẳng, người nước ngoài thường dành ra một chút tiền tiết kiệm để đi du lịch. Du lịch cũng quan trọng như ăn, như ngủ.
Có một câu này của Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam mà tôi rất tâm đắc là: Ngành du lịch phải làm thế nào để thu hút được nhiều du khách, thu hút cho lâu, cho giỏi, đừng để du khách tới có một lần rồi không bao giờ quay lại. Đó là sự thất bại của ngành du lịch rồi.
Muốn làm du lịch hay, cần phải hiểu kỹ du lịch là gì
Ông Trần Anh Thi, Khu nghỉ dưỡng Seahorse Resort & Spa Phan Thiết
Tôi hy vọng rằng những người làm quản lý về lĩnh vực du lịch sẽ có cái nhìn tường tận và sau sắc hơn về ngành nghề này, để từ đó có những định hướng để phát triển ngành nghề tốt hơn. Tôi từng tham dự không ít hội thảo, cuộc họp mà có những người làm quản lý về du lịch phát biểu tôi thực sự cảm thấy buồn, vì không phải ai cũng "cảm" hết được về 2 chữ du lịch.
Sự thật là chúng ta có tiềm năng chưa khai phá hết - Là 4000 năm văn hiến, là 54 dân tộc anh em. Mà chắc cũng không có nơi đâu mà ẩm thực đa dạng phong phú như ở Việt Nam: miền Bắc khác, miền Trung khác và miền Nam lại là một kiểu khác. Đó là những sản phẩm du lịch văn hóa vô giá mà khó có quốc gia nào bì kịp được, là giá trị cốt lõi. Cái đó đâu tự tạo ra được? Và nên nhớ rằng, du khách ghé tới Việt Nam là vì những giá trị văn hóa đặc sắc như thế. Như họ tới với Phan Thiết vì đồi cát, vì nghề cá, vì văn hóa dân tộc đặc sắc… Và chúng ta phải dựa vào những giá trị cốt lõi đó để phát triển nó lên, những thứ khác chỉ là sản phẩm đi kèm, để du khách thêm hài lòng mà thôi!
P.V: Còn nói riêng về tiềm năng chưa khai phá hết của Mũi Né, theo ông là gì?
Du lịch Mũi Né còn nhiều tiềm năng chưa khai phá hết.
Năm 2017, một người bạn thân của tôi, là lãnh đạo một tổ chức lữ hành uy tín trên thế giới, có qua Resort nơi tôi quản lý để khảo sát vì nghe được thông tin rằng khu vực này sắp hoàn thiện đường cao tốc… Ông ấy hỏi một câu làm tôi cứng người rằng: Anh có biết Phan Thiết hiện nay có bao nhiêu phòng không? – Khoảng 10000 phòng. Nhưng tôi cần gấp 3 lần số phòng này để có thể đáp ứng được nhu cầu khách du lịch trong nước và quốc tế khi đường tới với Phan Thiết đã thuận tiện hơn rất nhiều. Nghe xong câu đó, tôi mới đơ người ra bởi đó là những điều vượt quá khả năng của mỗi cá nhân tôi hay Khu nghỉ dưỡng mà tôi đang quản lý.
Tiềm năng chắc chắn là có, có rất nhiều. Hiện nay, những du khách từ xa tới, họ vẫn lựa chọn Phan Thiết làm điểm tới du lịch dù phải trải qua chuyến bay dài, rồi lại trải qua quãng đường đi xe tới 5-6h đồng hồ. Hãy tưởng tượng xem khi Phan Thiết được tạo cho những điều kiện để dễ dàng tới với nơi đây hơn, nhu cầu du lịch của du khách sẽ còn tăng cao như thế nào.
Bên cạnh đó, Mũi Né là nơi có khí hậu, thời tiết ôn hòa, ít chịu ảnh hưởng của các điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt. Đó cũng là điều du khách đặc biệt thích ở vùng đất biển xanh, cát trắng, nắng vàng này. Không khí là những thứ chúng ta được tận hưởng miễn phí, nhưng du khách từ xa tới đang phải bỏ tiền để được trải nghiệm chúng – với độ ẩm thích hợp, nhiệt độ dễ chịu, để tắm biển, để phơi nắng, để tham gia các hoạt động trải nghiệm văn hóa đặc sắc của Bình Thuận… Tôi từng hỏi du khách, họ tin rằng những hoạt động như tắm nắng, hoạt động thể chất ngoài biển… có thể tăng cường tuổi thọ cho bản thân.
Nhắc lại một lần nữa, du lịch là nhu cầu rất có ích cho sức khỏe tâm thần cũng như thể chất, người Việt Nam mình đang ngày một nhận thức rõ hơn về điều này. Không có sức khỏe chắc chắn sẽ là vấn đề lớn với mỗi người.
P.V: Điều gì sẽ góp phần cho phát triển du lịch trong thời gian tới?
Ngành kinh doanh "lòng mến khách" cần những sự đầu tư, giám sát, phát triển đồng bộ từ các cấp
- Đầu tiên, như tôi luôn nhắc đến, đó là phải hiểu, phải yêu "nó" (Du lịch - PV) và để hiểu rõ hơn chúng ta cần học, học cho kỹ. Hiện tại có quá nhiều trường lớp đào tạo về du lịch nhưng chất lượng đầu ra lại chưa thực sự được đảm bảo. Tôi lấy ví dụ như việc cười với khách, việc xách vali cho khách, việc chào khách… đó có thể là những thứ mà bình thường có thể du khách cũng không thực sự để ý đâu, nhưng nếu chúng ta được huấn luyện và thực hiện một cách đồng bộ, sẽ phát ra năng lượng chung về lòng mến khách, khiến họ cảm thấy hài lòng và có thể sẽ ghé lại sau này. Và, không có sự phân biệt nào giữa khách nước ngoài hay khách Việt Nam cả. Họ đều là du khách mà những người làm du lịch phải nở "nụ cười Việt Nam" để tiếp đón.
- Thứ hai, với tiềm năng du lịch lớn như thế của Việt Nam nói chung, của Mũi Né, Phan Thiết, của Bình Thuận nói riêng, cũng đòi hỏi các cấp quản lý phải làm sao có những hướng phát triển đúng đắn, phê duyệt dự án đi kèm với giám sát, nghiệm thu thật chặt chẽ… Chỉ khi chúng ta làm đồng bộ và chuẩn chỉ, du lịch mới phát triển hơn được. Bởi, để hòa vào bức tranh chung, sẽ cần nhiều thứ hơn thế rất nhiều, mà không có bất cứ cá nhân đơn lẻ nào có thể vỗ ngực tự tin là làm được tốt.
- Thứ ba, mong các cấp lãnh đạo, quản lý luôn theo dõi sát sao có những chính sách tháo gỡ hơn nữa cho ngành du lịch. Hiện tại, nhờ sự quan tâm của Chính phủ, của Tỉnh… những tín hiệu khởi sắc đã đến. Hy vọng rằng, nhân năm du lịch quốc gia Bình Thuận 2023, để tiếng lành đồn xa, du khách sẽ thực sự hài lòng khi tới với vùng đất biển xanh, cát trắng, nắng vàng này và có mong muốn quay lại. Từ đó, du lịch Mũi Né, Bình Thuận sẽ kết nối du lịch các tỉnh, hòa vào bức tranh tổng thể du lịch Việt Nam đang ngày một khởi sắc trở lại!
Cảm ơn ông vì những chia sẻ của mình!
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!