Nội dung chính của cuộc đàm phán xoay quanh Đạo luật Giảm lạm phát của Mỹ trị giá 430 tỷ USD mà EU lo ngại gây tổn hại cho các doanh nghiệp châu Âu, đặc biệt trong ngành sản xuất ô tô điện.
Để khuyến khích người tiêu dùng Mỹ chuyển đổi từ sử dụng ô tô chạy xăng, dầu sang xe điện, Luật Giảm lạm phát cho phép trợ cấp cho mỗi người mua ô tô điện mới số tiền là 7.500 USD; miễn trừ thuế đối với xe điện được sản xuất ở Bắc Mỹ; hỗ trợ chuỗi cung ứng pin của Mỹ.
Liên minh châu Âu (EU) lo ngại các rào cản thương mại mới này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, có thể ảnh hưởng tới các nhà sản xuất xe điện của châu Âu.
Trong tuyên bố chung đưa ra sau các cuộc đàm phán cấp bộ trưởng lần thứ 3 của Hội đồng Thương mại và Công nghệ Mỹ - EU, hai bên cam kết giải quyết vấn đề này trên tinh thần xây dựng.
Ông Antony Blinken, Ngoại trưởng Mỹ, cho biết: "Ngay khi có những quan ngại về đạo luật giảm lạm phát của Mỹ, 2 bên đã nhất trí thành lập nhóm công tác để giải quyết. Tổng thống Joe Boden cũng đã có những chỉ đạo. Hôm nay, tôi nghĩ rằng chúng ta đã có bước tiến trong cuộc thảo luận về việc miễn thuế với xe điện thương mại".
Ông Valdis Dombrovskis, Phó Chủ tịch Ủy ban châu Âu, chia sẻ: "Phải nói là chúng tôi rời cuộc họp hôm nay lạc hơn khi mới bắt đầu. Đạo luật giảm lạm phát của Mỹ sẽ có hiệu lực từ ngàu 1/1 năm sau, vì vậy nhóm công tác Mỹ-EU sẽ còn rất nhiều việc phải làm".
Trước đó, Chủ tịch Ủy ban thương mại quốc tế của Nghị viện châu Âu cho rằng trong một vài tháng tới, EU nên khiếu nại lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về đạo luật này của Mỹ.
Song chuyên gia Mỹ không nghĩ nước này vi phạm quy định. Ông David Dollar, chuyên gia cao cấp về chính sách đối ngoại, Viện Brookings, Mỹ, cho biết: "Các quy định của WTO chỉ cấm chính phủ các nước trợ cấp cho xuất khẩu và trong trường hợp này thì Mỹ các khoản trợ cấp của chính phủ Mỹ, không phải cho xuất khẩu, mà trợ cấp cho thị trường trong nước. Và nó cũng được xem là để đảm bảo an ninh quốc gia của Mỹ. Quy định của WTO cho các nước nhiều quyền để bảo vệ an ninh quốc gia của nước mình".
Uỷ viên phụ trách Thị trường Nội địa châu Âu ông Thierry Breton ủng hộ châu Âu xây dựng một kế hoạch tương tự như của Mỹ, trong đó nhấn mạnh việc thúc đẩy thành lập "Quỹ chủ quyền châu Âu" với ngân sách vào khoảng 2% GDP, tương đương 350 tỷ Euro. Ông Breton cho biết thông tin liên quan đến kế hoạch này sẽ được công bố trong ít tuần tới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!