Mỹ giảm nhập khẩu khi người tiêu dùng siết hầu bao

Lê Tuyển (PV Đài THVN thường trú tại Mỹ)-Thứ năm, ngày 08/06/2023 22:14 GMT+7

VTV.vn - Nhu cầu tiêu thụ tại Mỹ yếu khiến nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài giảm theo.

4 tháng đầu năm nay, Mỹ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Tuy nhiên, tỷ trọng nhập khẩu đã không còn được như cùng kỳ năm 2022. Có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chung chi phối toàn bộ thị trường vẫn là do người tiêu dùng Mỹ siết chặt hầu bao trong bối cảnh lạm phát vẫn ở mức cao và lãi suất đi vay chi tiêu ngày càng tăng.

Đây là lần đầu tiên trong 43 năm bán hàng tại con phố tài chính ở New York, bà Elena thấy sạp hàng tạp hóa của mình ế ẩm như thế này. Doanh nghiệp chưa đi làm lại hết, một số đã phá sản sau COVID-19, còn người tiêu dùng có quá nhiều thứ phải lo.

"Những năm trước, khi nền kinh tế còn tốt, người ta chi tiêu nhiều lắm. Giờ kinh tế chậm, thâm hụt ngân sách, siết chặt tín dụng khiến mọi thứ đều chậm theo", bà Elena, chủ sạp hàng tạp hóa New York, chia sẻ.

Nền kinh tế Mỹ đã bắt đầu "ngấm đòn" lãi suất cao trong quý I vừa qua khi GDP chỉ còn tăng 1,1%. Nhu cầu tiêu thụ trong nước yếu khiến nhập khẩu hàng hóa từ bên ngoài giảm theo. Theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ, nhập khẩu hàng hóa của nước này đã chứng kiến 2 tháng suy giảm liên tiếp, sau khi tăng trong tháng 1. Trong số các quốc gia chịu tác động từ sự suy giảm đó có Việt Nam.

Mỹ giảm nhập khẩu khi người tiêu dùng siết hầu bao - Ảnh 1.

Nhu cầu tiêu dùng thời gian tới phụ thuộc vào tốc độ giảm của giá dịch vụ và của lạm phát. (Ảnh: Bloomberg)

"Kinh tế Mỹ hiện nay đang bị suy giảm, đồng thời chính phủ thắt chặt tín dụng, dẫn tới người tiêu dùng giảm chi tiêu và chỉ tiêu dùng những mặt hàng thiết yếu. Mặt khác, trong năm 2022, các nhà nhập khẩu, các chuỗi phân phối của Mỹ đã thu mua một số lượng đơn hàng lớn để phục vụ nền kinh tế hồi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, lượng tiêu thụ không như kỳ vọng, dẫn tới lượng hàng tồn kho của Mỹ còn rất nhiều. Do đó, họ đã cắt giảm đơn hàng cho năm 2023", ông Nguyễn Mạnh Hùng, Trưởng Đại diện Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại New York, cho biết.

"Tôi nghĩ vẫn còn có nhiều lực cản trước mắt. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng thương mại đã được cải thiện, nhưng giá cả hàng hóa tại Mỹ vẫn cao, giá dịch vụ cũng vậy. Vì thế, nhu cầu tiêu dùng thời gian tới còn phụ thuộc vào tốc độ giảm của giá dịch vụ và của lạm phát", ông Sam Stovall, Trưởng Bộ phận Tư vấn Chiến lược, Công ty CFRA, Mỹ, nhận định.

Các dự báo hiện nay cho thấy, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể sớm dừng việc tăng lãi suất, tuy nhiên mức tín dụng siết chặt vẫn có thể được duy trì đến hết năm. Điều này có nghĩa, việc chi tiêu tiêu dùng của người dân Mỹ trong giai đoạn tới có thể còn bị hạn chế khi việc đi vay chi tiêu vẫn đắt đỏ. Vì vậy theo giới chuyên gia, các doanh nghiệp cần có chiến lược thích ứng phù hợp cho xu hướng thị trường hiện nay.

Thâm hụt thương mại của Mỹ cao nhất 8 tháng Thâm hụt thương mại của Mỹ cao nhất 8 tháng

VTV.vn - Theo dữ liệu của Chính phủ Mỹ công bố ngày 7/6, xuất khẩu giảm đã đưa thâm hụt thương mại của Mỹ trong tháng 4 tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 10/2022.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước