Đúng 0h ngày 7/8 theo giờ Mỹ, một số lệnh trừng phạt kinh tế đối với Iran đã chính thức được Mỹ khôi phục.
Theo tờ Washington Post, Iran bị cấm dùng đồng USD trong các giao dịch quốc tế và bán dầu. Kim loại và ô tô sản xuất tại Iran cũng bị cấm mua bán. Các quyết định vốn cho phép nhập khẩu thảm và thực phẩm của Iran bị rút lại. Đặc biệt, giấy phép để Iran mua máy bay của Mỹ hay châu Âu cũng bị thu hồi. Theo tờ này, chính quyền Mỹ đã dập tắt khả năng đối thoại với Iran và tạo thêm khoảng cách với các nước tham gia ký thỏa thuận hạt nhân.
Tham gia ký thỏa thuận hạt nhân 2015 với Iran, ngoài Mỹ còn có Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức. Việc Mỹ rút khỏi thỏa thuận này vốn đã gây ra nhiều phản ứng trong nhóm nhưng các biện pháp trừng phạt chính thức được áp dụng lại đã khoét sâu thêm những bất đồng này. Các công ty châu Âu buộc phải đứng trước lựa chọn hoặc thị trường Iran tiềm năng hoặc thị trường Mỹ rộng lớn.
Trả lời CNN Money, một quan chức Mỹ cho biết đã có khoảng 100 công ty quốc tế có ý định rời thị trường Iran, trong đó có cả các công ty châu Âu vốn có dự án lớn ở đây. Hãng xe Daimler của Đức tuyên bố treo các hoạt động sản xuất ở Iran. Trước đó, Peugeot, hãng khai thác dầu Total của Pháp tuyên bố ngừng triển khai dự án mới. Các hãng đều lo ngại lời đe dọa nếu vi phạm có thể sẽ bị cấm tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ.
Nếu theo đúng lịch trình, tháng 11 tới, các lệnh trừng phạt tiếp theo sẽ tiếp tục có hiệu lực trở lại. Đó là lệnh cấm các nước mua bán dầu với Iran và giao dịch với Ngân hàng Trung ương Iran. Đây sẽ là một sức ép lớn với các nước có quan hệ làm ăn với Iran tại châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo New York Times, cả Trung Quốc và Ấn Độ đều đang có quan hệ kinh tế mật thiết với Iran. Ấn Độ là một trong các nước mua dầu lớn nhất của Iran. Nước này cũng đầu tư hàng triệu USD vào cầu cảng tại đây. Vì thế, yêu cầu giảm rồi ngừng nhập dầu của Iran có thể tạo ra sự ức chế với Ấn Độ.
Cùng với Ấn Độ, Nhật, Hàn Quốc và Trung Quốc đều đang cần nguồn đầu lớn từ Iran. Trang CNBC bình luận rằng các công ty của Nhật và Hàn Quốc có thể sẽ tìm phương án khác cho nguồn dầu nhưng với Trung Quốc thì không dễ. Đây chỉ là một trong những biện pháp Mỹ khiến cho các công ty của Trung Quốc gặp khó thời gian gần đây, sau thương mại, hạn chế đầu tư và thuế nhập khẩu. Vì thế, Trung Quốc sẽ không dễ buông bỏ quan hệ kinh tế với Iran nếu như Mỹ không nới lỏng các rào cản trước đó.
Khôi phục các lệnh trừng phạt với Iran, Mỹ đang tạo ra sức ép không chỉ với kinh tế Iran mà còn với nhiều đồng minh, đối tác lớn. Nhưng thông điệp của chính quyền Trump chắc chắn không phải là các cuộc chiến thương mại, đối đầu về kinh tế mà rõ ràng là những thỏa thuận, theo họ là có lợi hơn cho nước Mỹ.
Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!