Không chỉ lượng hàng hóa Việt Nam sang Mỹ tăng vọt mà ngày nay, lượng hàng Mỹ xuất khẩu sang Việt Nam cũng tăng gần gấp 20 lần so với năm 2002.
Nhân chuyến thăm Việt Nam, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen nhấn mạnh, Việt Nam không chỉ là một đối tác chiến lược về thương mại, mà còn là một đối tác tin cậy, có thể giúp đa dạng hóa chuỗi cung ứng, tăng khả năng phục hồi kinh tế trong dài hạn.
Cách Hà Nội chưa đầy một giờ lái xe, tại tỉnh Bắc Ninh, Amkor - một công ty có trụ sở tại Arizona, Mỹ sẽ sớm khai trương một nhà máy lớn chuyên lắp ráp và thử nghiệm chất bán dẫn. Ở phía Nam tỉnh Đồng Nai, một công ty Mỹ khác - Onsemi sản xuất chip ô tô.
Khu công nghệ cao tại TP Hồ Chí Minh thì có nhà máy lắp ráp và thử nghiệm lớn nhất của Intel trên thế giới. Nhiều công ty Mỹ đã và đang muốn gia tăng nhiều hơn nữa sự hiện diện tại Việt Nam.
Ông Gan Yee Chun - Tổng giám đốc Công ty Samtec Việt Nam cho biết: "Chúng tôi cam kết sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất tại Việt Nam với việc mở nhà máy sản xuất thứ 3, trị giá 8,5 triệu USD trong thời gian tới. Tổng số lượng lao động dự kiến gấp 3 lần hiện nay. Lao động Việt Nam trẻ, ham học hỏi và phản ứng rất nhạy".
Mỹ xây dựng chuỗi cung ứng bền vững tại Việt Nam. (Ảnh minh họa - Ảnh: Reuters)
Hiện nay ưu tiên hàng đầu của chính quyền Tổng thống Biden là xây dựng khả năng phục hồi trong chuỗi cung ứng chất bán dẫn, bởi theo một nghiên cứu của Bộ Tài chính Mỹ sự thiếu hụt chip trong thời kỳ đại dịch góp phần gây thất thoát 500 tỷ USD doanh thu trên toàn thế giới từ năm 2020 đến năm 2022.
Tác động này đặc biệt nghiêm trọng đối với ngành ô tô. Chỉ riêng trong năm 2021, ngành công nghiệp này ước tính đã mất 210 tỷ USD doanh thu toàn cầu. Sự dịch chuyển của các chuỗi cung ứng về khu vực Đông Nam Á và Nam Á, trong đó có Việt Nam hiện đóng vai trò rất quan trọng đối với Mỹ.
"Không một quốc gia nào có thể một mình đạ dạng hóa và củng cố hệ sinh thái bán dẫn một cách toàn diện cả. Chúng tôi cần làm việc với các quốc gia đối tác như Việt Nam. Trong 1 thập kỷ qua, Việt Nam đã nổi lên như một điểm nút quan trọng trong nguồn cung ứng chất bán dẫn toàn cầu và các khoản đầu tư đang tăng tốc", bà Janet Yellen - Bộ trưởng Tài chính Mỹ đánh giá.
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng Tài chính Yellen đã đề cập đến chính sách "friendshoring" - chiến lược đặt sản xuất tại các quốc gia đối tác trong chuyến thăm Việt Nam lần này. Bà cũng đã nhấn mạnh vai trò của nó trong chuyến công du đến Ấn Độ vài ngày trước.
Bà Yellen Bộ trưởng Tài chính Mỹ cho biết: "Tôi muốn nhấn mạnh rằng "friend-shoring" không phải là một câu lạc bộ độc quyền của một số quốc gia, mà nó mở ra cơ hội cho các các nền kinh tế tiên tiến, các thị trường mới nổi và các nước đang phát triển. Mỹ nỗ lực tăng cường, chứ không phải làm suy yếu mối quan hệ đối tác với các quốc gia đang phát triển. Đó là lý do chúng tôi đưa ra các sáng kiến mới để đầu tư vào sự phát triển của các quốc gia đối tác, bao gồm việc tham gia vào cam kết của G7, nhằm huy động 600 tỷ USD đầu tư vào cơ sở hạ tầng trong vài năm tới, thông qua Sáng kiến đối tác vì Cơ sở hạ tầng và Đầu tư toàn cầu".
Các chuyên gia nhận định, bên cạnh việc hợp tác với các lĩnh vực Mỹ có thế mạnh như công nghệ, nguồn vốn, tài chính và hàng hóa tiêu chuẩn chất lượng cao, Việt Nam cũng cần đa dạng hóa các chuỗi cung ứng với ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước khác để tận dụng tối đa lợi thế.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!