Năm 2020, thị trường tài chính châu Âu “né” được hậu quả COVID-19

Hồng Quang (PV Đài THVN thường trú tại châu Âu)-Thứ hai, ngày 04/01/2021 11:46 GMT+7

VTV.vn - Nhờ chính sách tài khóa và kinh tế vĩ mô, năm 2020, các sàn giao dịch chứng khoán châu Âu không suy sụp nhiều.

Thị trường tài chính châu Âu năm 2020 hầu như không gắn kết với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. Sản xuất, thương mại, đặc biệt ngành dịch vụ… đã sụt giảm rất nhiều do đại dịch; nhưng các sàn giao dịch chứng khoán lại không suy sụp nhiều.

Những ngày đầu năm 2021, những lời kêu gọi hãy để cho quan hệ cung cầu quyết định hoặc phản đối nhà nước can thiệp vào thị trường tài chính không còn xuất hiện trên báo chí kinh tế châu Âu.

Nếu không có sự can thiệp của các chính phủ, 2020 đã là một năm thảm họa của các nhà đầu tư. Tờ Basler Zeitung ra tại Đức viết rằng: "Quan trọng nhất là việc các ngân hàng trung ương trên khắp thế giới ồ ạt bơm tiền mặt ra thị trường. Đồng thời, chính sách duy trì lãi suất cơ bản cực thấp đã có lợi cho thị trường chứng khoán".

Năm 2020, thị trường tài chính châu Âu “né” được hậu quả COVID-19 - Ảnh 1.

Nếu không có sự can thiệp của các chính phủ, 2020 đã là một năm thảm họa của các nhà đầu tư. (Ảnh minh họa: Economictimes)

Theo bài báo, từ quan điểm kinh tế, tình hình cuối năm 2020 là một thảm họa, thế nhưng các sàn giao dịch chứng khoán hầu như không bị ảnh hưởng nhiều, mặc dù trước nay người ta vẫn tin rằng giá cổ phiếu phản ánh tình hình kinh tế.

Chứng khoán Đức kết thúc năm 2020 với kết quả hầu như là hòa vốn, nhưng cũng đã là tốt nhất châu Âu. Tờ El Economista ra tại Tây Ban Nha trong bài tổng kết thị trường chứng khoán năm 2020 cho biết chỉ số Dax30 của Đức tăng gần 4%, trong khi các sàn chứng khoán châu Âu khác đều giảm: Ibex Tây Ban Nha mất 14%, Cac40 của Pháp mất 6%, MIB của Italy mất 5%. Mất mát đó cũng không tỷ lệ thuận với tình hình kinh tế.

Số dư tiết kiệm của các hộ gia đình tăng vọt càng khiến các chỉ số chứng khoán không còn gắn kết nhiều với tình hình kinh tế. Tờ Le Figaro của Pháp viết rằng: "Tổng số tiền tiết kiệm của các hộ gia đình Pháp đã tăng gần 130 tỷ Euro trong năm 2020 và còn có thể tăng thêm 70 tỷ Euro nữa trong năm nay".

Năm 2020, thị trường tài chính châu Âu “né” được hậu quả COVID-19 - Ảnh 2.

Thị trường tài chính châu Âu năm 2020 hầu như không gắn kết với tình hình kinh doanh của doanh nghiệp niêm yết. (Ảnh minh họa: Amwal Al Ghad)

Trong bối cảnh thị trường dư thừa tiền mặt, đầu tư vào đâu trong năm nay cũng đang là câu hỏi đau đầu. Tờ báo Pháp viết rằng: "Bất động sản cho thuê đang dẫn đầu danh sách ý định đầu tư, tiếp đó là mua bảo hiểm nhân thọ, và thứ ba là mua cổ phiếu". Ngoài ra, một số nhà đầu tư cho biết đã nghĩ tới mua vàng, Bitcoin, góp vốn vào các doanh nghiệp không niêm yết và cuối cùng mới tới cổ phiếu.

Thị trường tài chính dồi dào tiền mặt cộng với chính sách lãi suất cơ bản cực thấp đang đưa tới một tình cảnh trớ trêu, theo tờ Jyllands-Posten ra tại Đan Mạch. Tờ báo viết rằng: "Trong năm nay, trên thị trường tài chính, nên là người đi vay hơn là người cho vay. Có tiền thì đau đầu không biết phải đầu tư vào đâu để bảo toàn vốn liếng, còn không tiền phải huy động vốn sẽ lại thuận lợi trăm bề".

Ngân hàng Trung ương châu Âu đẩy mạnh bơm tiền ra thị trường tài chính Ngân hàng Trung ương châu Âu đẩy mạnh bơm tiền ra thị trường tài chính

VTV.vn - Ngân hàng Trung ương châu Âu đã quyết định tăng mức độ hỗ trợ thị trường, bằng cách bơm thêm 500 tỷ Euro mua trái phiếu chính phủ và cả nợ xấu của một số doanh nghiệp lớn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước