Năm 2021, doanh nghiệp mới chịu sự tác động của Nghị định 126 về tạm nộp thuế TNDN

Khánh Huyền-Thứ ba, ngày 24/11/2020 14:23 GMT+7

VTV.vn - Nghị định 126 có quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm.

Vài ngày gần đây, hàng nghìn doanh nghiệp xôn xao trước quy định tạm nộp thuế của Nghị định 126/2020/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 5/12/2020. Nghị định 126 có quy định tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) đã tạm nộp của 3 quý đầu năm tính thuế không được thấp hơn 75% số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán năm. Trường hợp doanh nghiệp (DN) nộp thiếu sẽ phải nộp tiền chậm nộp tính trên số thuế thiếu. 

Nhiều DN lo ngại năm nay do dịch COVID-19 nên các quý 1,2,3 gần như hoạt động sản xuất kinh doanh cầm chừng, thu nhập thấp mà quý 4 dịch bệnh đỡ hơn, sản xuất kinh doanh tăng trưởng trở lại, sẽ dễ bị tính tiền chậm nộp. Đại diện Tổng cục thuế cho biết quy định này chưa áp dụng cho năm nay, mà áp dụng từ năm 2021 trở đi.

Tạm nộp thuế TNDN theo quý, không ít doanh nghiệp lợi dụng để chiếm dụng thuế

Nghị định số 91/2014/NĐ-CP và Thông tư số 151/2014/TT-BTC đã bãi bỏ quy định về kê khai thuế thu nhập doanh nghiệp tạm tính hàng quý và kê khai quyết toán theo năm, thay bằng quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hàng quý và kê khai quyết toán theo năm. Quy định về tính tiền chậm nộp đối với việc thực hiện tạm nộp thuế được xác định theo thời điểm hạn nộp thuế quý 4 của doanh nghiệp. Trường hợp tổng số thuế tạm nộp trong kỳ tính thuế thấp hơn số thuế TNDN phải nộp theo quyết toán từ 20% trở lên, doanh nghiệp phải nộp tiền chậm nộp đối với phần chênh lệch từ 20% trở lên giữa số thuế tạm nộp với số thuế phải nộp theo quyết toán.

Tuy nhiên, từ khi thực hiện Nghị định số 91/2014/NĐ-CP, thực tế triển khai cho thấy, bên cạnh các doanh nghiệp đã tuân thủ tốt quy định tạm nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, còn nhiều doanh nghiệp không tuân thủ và lợi dụng quy định về tính tiền chậm nộp này, không thực hiện tạm nộp hàng quý, mà để dồn đến thời hạn nộp thuế của quý 4, thông thường vào ngày 30/1 năm sau mới nộp thuế vào ngân sách nhà nước. 

Năm 2021, doanh nghiệp mới chịu sự tác động của Nghị định 126 về tạm nộp thuế TNDN - Ảnh 1.

Tạm nộp thuế TNDN theo quý, không ít doanh nghiệp lợi dụng để chiếm dụng thuế.

"Số thu thuế thu nhập doanh nghiệp phát sinh phải nộp trong năm ngân sách trước đã bị chiếm dụng và nộp vào năm ngân sách sau, gây ảnh hưởng đến cân đối ngân sách nhà nước hàng năm. Đồng thời, không đảm bảo sự công bằng trong việc thực thi pháp luật thuế giữa các doanh nghiệp tuân thủ tốt và các doanh nghiệp không tuân thủ", bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế cho biết.

Đến tháng 10/2021 DN mới phải tạm nộp 75% thuế TNDN của năm 2021

Để hạn chế tình trạng DN lợi dụng việc tạm thu thuế TNDN, Nghị định 126 đã thay đổi quy định thời hạn nộp thuế TNDN của 3 quý cùng trong năm ngân sách để huy động kịp thời cho ngân sách nhà nước. Và với số tiền tạm nộp của mỗi quý là 25%, do đó tạm nộp 3 quý là 75% số thuế TNDN phải nộp cả năm khi quyết toán. Và thời hạn tạm nộp sẽ là ngày cuối cùng của 31/10. Nghĩa vụ phải nộp chính thức sẽ được xác định khi doanh nghiệp quyết toán thuế TNDN tại thời điểm kết thúc năm tính thuế.

Năm 2021, doanh nghiệp mới chịu sự tác động của Nghị định 126 về tạm nộp thuế TNDN - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Duyên Hải, Vụ trưởng Vụ Kê khai và Kế toán thuế, Tổng cục Thuế.

"Năm nay, Nghị định 126 ban hành và có hiệu lực từ ngày 5/12, các DN có hạn nộp vào ngày cuối của tháng 10 là quý 3 của năm nay chưa chịu sự điều chỉnh của Nghị định 126. Các DN năm nay biến động về thuế TNDN ko chịu tác động của Nghị định 126, sang năm 2021 mới chịu sự tác động của Nghị định này. Cụ thể, đến tháng 10/2021, DN mới phải tạm nộp 75% thuế TNDN của năm 2021",  bà Lê Thị Duyên Hải chia sẻ.

Quy định tạm nộp 75% thuế cho 3 quý cuối năm có làm DN có nguy cơ bị đóng tiền chậm nộp?

Một số DN cho rằng quy định tạm nộp 75% số thuế TNDN của năm vào cuối quý 3 là không khuyến khích hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Vì nếu đến quý 4, doanh nghiệp có kết quả sản xuất kinh doanh tốt hơn các quý trước, phải đối mặt với rui ro bị nộp tiền chậm nộp. 

Bà Lê Thị Duyên Hải cho biết Nghị định 91 trước đó cũng đều có quy định DN phải tạm nộp thuế TNDN hàng quý. Việc tạm nộp này căn cứ vào kế hoạch sản xuất kinh doanh cả năm, cũng như số thuế đã quyết toán của năm trước, để chủ động kế hoạch sản xuất kinh doanh và tạm nộp số thuế của mình. 

Năm 2021, doanh nghiệp mới chịu sự tác động của Nghị định 126 về tạm nộp thuế TNDN - Ảnh 3.

Đến tháng 10/2021 DN mới phải tạm nộp 75% thuế TNDN của năm 2021

Nghị định 126 cũng như vậy, chỉ khác, DN phải tạm nộp 75% số thuế của cả năm vào quý vào ngày 30 tháng 10 của năm ngân sách thay vì từng quý như trước. Như vậy, phía DN hoàn toàn có thể tự xác định, tự tính và tự chủ động về kế hoạch kinh doanh và kế hoạch nộp thuế TNDN trong năm và chủ động phân bổ hay chia cho các quý. Nghĩa vụ phải nộp thuế chính thức sẽ được xác định khi doanh nghiệp quyết toán thuế TNDN tại thời điểm kết thúc năm tính thuế. Đối với trường hợp các DN có kết quả tăng bất thường về sản xuất kinh doanh trong quý 4, mà doanh nghiệp không dự kiến được trước không phải là trường hợp phổ biến. 

"Với cách tính dồn thu nhập của 3 quý đầu năm là đã giãn cho DN chủ động kế hoạch việc tạm nộp quý 1,2,3. Thường là kế hoạch từng quý, DN chưa xác định được ngay, nhưng nếu đã qua 3 quý, DN cơ bản cũng đã xác định được tình hình sản xuất kinh doanh của mình, cũng như đơn hàng và kế hoạch kinh doanh của quý 4", bà Lê Thị Duyên Hải nhấn mạnh.

Năm 2021 nếu DN vẫn chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, Chính phủ vẫn tiếp tục hỗ trợ

Năm nay, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Chính phủ đã ban hành Nghị định 41 gia hạn thuế TNDN của các quý đến tận tháng 12 năm nay ( gia hạn 5 tháng). Bà Duyên chia sẻ nếu sang năm mà tình hình COVID-19 vẫn còn ảnh hưởng nhiều đến sản xuất, kinh doanh của DN, thì Chính phủ sẽ tiếp tục có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho DN. Để cho DN không bị động trong sản xuất, kinh doanh và kế hoạch nộp thuế của mình.

Một số chuyên gia cho rằng việc tạm nộp thuế là điều bình thường, giống như hàng tháng mỗi cá nhân đều phải tạm nộp số thuế thu nhập cá nhân của tháng đó. Đến tháng 3 năm sau đến kỳ quyết toán cá nhân thì mới thống nhất được số thuế phải nộp, nếu đóng thừa, được hoàn lại, đóng thiếu phải nộp thêm. Về phần thuế TNDN cũng tương tự như vậy. 

Có điều về thuế thu nhập cá nhân, dòng tiền nộp và bị điều chỉnh không lớn, còn đối với DN, dòng tiền này tương đối lớn, và sẽ có mức độ ảnh hưởng nhất định. Vì thế các chuyên gia cho rằng, việc quy định tạm nộp thuế TNDN cũng đã có từ trước, DN cần cân đối kế hoạch sản xuất, kinh doanh của mình để tạm nộp thuế vào ngân sách. Nhưng trong trường hợp DN gặp khó khăn về thiên tai, bệnh dịch, các chính sách cũng cần linh hoạt, có sự điều chỉnh phù hợp để kịp thời hỗ trợ DN.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và  VTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước