Trong năm 2021, chứng khoán Âu - Mỹ đã có một năm thăng hoa, liên tục lập đỉnh mới. Tuy nhiên chứng khoán châu Á lại giao dịch khá lình xình, thậm chí giảm điểm tại thị trường Hong Kong, Trung Quốc.
Tại những nền kinh tế đang phát triển, trong đó có Việt Nam với chính sách tài khóa và tiền tệ khác biệt so với những quốc gia phát triển như Mỹ hay khu vực châu Âu, cổ phiếu vẫn tiếp tục là 1 kênh đầu tư hấp dẫn.
"Khi Chính phủ tiếp tục thực hiện nới lỏng tiền tệ, đồng thời tung các gói tài khóa hỗ trợ nền kinh tế, tiền trên thị trường và thanh khoản dồi dào thì thị trường cổ phiếu, bất động sản sẽ hấp dẫn. Thời gian qua, thị trường bất động sản ở Việt Nam hơi khó vì liên quan đến giãn cách, không mở cửa kinh tế. Nhưng khi hoạt động kinh tế mở cửa trở lại thì lĩnh vực bất động sản trở nên nóng cùng thị trường chứng khoán", PGS. TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln - Vương quốc Anh, đánh giá.
Tại những nền kinh tế đang phát triển, cổ phiếu vẫn tiếp tục là 1 kênh đầu tư hấp dẫn. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Đối với trái phiếu, nhìn chung sẽ mang lại lợi nhuận tương đương lợi suất đã đạt được năm 2021, vấn đề mấu chốt là tránh những đợt suy giảm hay vỡ nợ. Ưu tiên số một là trái phiếu USD tại châu Á.
Cuối cùng là vàng. Trái với những dự báo trước đó, vàng đã có một năm 2021 đầy thất vọng với mức sụt giảm gần 3%. Bước sang năm 2022, các nhận định về thị trường vàng thế giới đang khá phân tán.
"Theo cách nhìn của tôi, vàng không còn là một sự lựa chọn mang tính chất truyền thống như trước đây bởi giới đầu tư có thêm nhiều lựa chọn như tiền số, tài sản ảo", PGS. TS. Quách Mạnh Hào, Giảng viên Đại học Lincoln - Vương quốc Anh, nhận định.
Mặc dù tài sản số lợi nhuận lớn, nhưng rủi ro cũng cao không kém. Hiện chính phủ các nước vẫn luôn đưa ra các cảnh báo và đề xuất các chính sách mới nhằm kiểm soát hoạt động tiền số và sản phẩm tài chính phi tập trung toàn cầu.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!