Nắm bắt FTA để hướng đến xuất khẩu tinh nông sản

Kate Trần-Thứ sáu, ngày 07/06/2024 17:37 GMT+7

Việt Nam vẫn xuất hàng thô, hàm lượng chế biến thấp

VTV.vn - FTA đã và đang tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho nông sản Việt, hỗ trợ chuyển dịch từ xuất khẩu thô sang tăng tỷ lệ xuất khẩu tinh, có giá trị gia tăng cao.

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh tại Hội thảo xu hướng thị trường và cơ hội xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến Việt Nam vào các hệ thống phân phối quốc tế được tổ chức sáng ngày 7/6.

FTA tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho hàng Việt

Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng nhấn mạnh, mặc dù nền kinh tế thế giới có nhiều khó khăn, thách thức. Song xuất khẩu các sản phẩm của ngành nông nghiệp Việt Nam tiếp tục phục hồi và tăng trưởng ấn tượng, đóng góp tích cực vào thặng dư thương mại.

Thực tế cho thấy, trong nhiều năm qua, xuất khẩu nông sản thực phẩm luôn là điểm sáng trong bức tranh kinh tế Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 53 tỷ USD, trong đó nhiều mặt hàng nông sản tăng cả về giá trị và lượng như gạo, rau quả, cà phê, hạt điều. Chỉ tính 5 tháng đầu năm 2024,kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21,0% so với cùng kỳ năm 2023.

Hiện nay Việt Nam là nhà cung ứng đứng thứ hai thế giới về cà phê, thứ nhất về hạt điều, thứ nhất về hạt tiêu, và thứ ba về gạo.

Đáng chú ý, từ khi có các hiệp định thương mại với các thị trường lớn, xuất khẩu hàng hóa vào các thị trường này tăng trưởng mạnh do tận dụng được cơ hội và lợi thế. Đặc biệt với 2 Hiệp định CPTPP, EVFTA, liên tiếp trong những năm gần đây, kim ngạch xuất khẩu nông sản và thực phẩm duy trì tốc độ tăng trưởng trên hai con số. Trong đó phải kể đến Hoa Kỳ với kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng 23,9%.

Nắm bắt FTA để hướng đến xuất khẩu tinh nông sản - Ảnh 2.

Việt Nam vẫn xuất hàng thô, hàm lượng chế biến thấp

Hơn thế nữa, so với cùng kỳ năm ngoái, kim ngạch xuất khẩu nhiều nhóm hàng đã nâng cao giá trị gia tăng. Đơn cử, cà phê đạt 2,9 tỷ USD tăng 44,1%, gạo đạt 2,65 tỷ USD tăng 38,2%, rau quả đạt 2,59 tỷ tăng 28,1%, tôm đạt 1,3 tỷ USD tăng 7,5% …

Để thúc đẩy xuất khẩu điều trong thời gian tới đang đòi hỏi các doanh nghiệp Việt cần tận dụng tốt các FTA. Nhất là ở một số thị trường có FTA với quy định khá thoáng, cho phép các doanh nghiệp Việt nhập khẩu điều nguyên liệu để chế biến, nếu có chứng nhận xuất xứ sẽ được miễn thuế xuất khẩu.

Có thể thấy, các FTA đã tạo ra lợi thế cạnh tranh rất lớn cho các mặt hàng nông, lâm, thủy sản chiến lược và có thế mạnh nhờ cam kết cắt giảm thuế quan, đặc biệt đối với các sản phẩm chế biến; đồng thời tăng cường thu hút đầu tư nước ngoài chất lượng cao vào khu vực nông nghiệp, tham gia sâu, bền vững vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Xuất thô chiếm 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu là điểm yếu rất lớn

Đại diện Bộ Công thương cũng thẳng thắn nhìn nhận, trên thực tế chủ yếu Việt Nam vẫn xuất hàng thô, hàm lượng chế biến thấp, chiếm khoảng 70-80% tổng kim ngạch xuất khẩu, nên giá trị và mức độ cạnh tranh không cao. Rõ ràng đây không phải là hướng đi bền vững và hiệu quả.

Do đó, theo Thứ trưởng Bộ Công thương Phan Thị Thắng, chúng ta cần tiếp tục triển khai các chính sách hiện hành đang hỗ trợ cho ngành nông nghiệp chuyển từ xuất khẩu thô sang gia tăng tỷ lệ xuất khẩu tinh, tạo điều kiện doanh nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ trong nông nghiệp, thu hút đầu tư phát triển ngành công nghiệp chế biến thực phẩm. Từ đó, góp phần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng, bắt nhịp xu hướng tiêu dùng của thị trường toàn cầu. 

Đặc biệt, thời gian tới, Bộ Công thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tăng cường phối hợp thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường cho các loại nông sản của Việt Nam.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện ngành xuất khẩu nông sản Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách như tiêu chuẩn chất lượng hay các yêu cầu về xuất xứ hàng hóa của các thị trường nhập khẩu ngày càng cao; Những tác động tiêu cực của bệnh dịch, xung đột thương mại, xung đột địa chính trị đã khiến cho chủ nghĩa bảo hộ quay lại khi các nền kinh tế đều có xu hướng bảo vệ nền sản xuất trong nước, dẫn đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam có nguy cơ đối mặt với các vụ kiện thương mại ngày càng nhiều; Thách thức còn đến khi phát triển bền vững, giảm phát thải carbon và bảo vệ môi trường là những xu hướng tất yếu tại hầu khắp các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sẽ đòi hỏi doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng và tuân thủ.

Điển hình như mới đây nhất, Thương vụ Việt Nam tại EU thông tin, Nghị viện và Hội đồng Châu Âu ban hành Chỉ thị số (EU) 2024/1438 sửa đổi các quy định liên quan đến một số loại nông sản thực phẩm tại các Chỉ thị của Hội đồng Châu Âu ban hành trước đây nhằm thực hiện mục tiêu Thỏa thuận xanh, Chiến lược từ trang trại tới bàn ăn để tạo ra hệ thống thực phẩm công bằng, lành mạnh, thân thiện với môi trường, bền vững hơn. Trong đó, điều chỉnh quy định liên quan đến ghi nhãn, xuất xứ nhiều mặt hàng nhằm tăng khả năng nhận diện, ghi nhãn...

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, về phía cơ quan chức năng cần chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp kết hợp đảm bảo các yếu tố sinh thái, môi trường, con người và phát triển bền vững. 

Còn về phía doanh nghiệp, bản thân doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng hóa ngành hàng và chuyển từ phát triển chuỗi cung ứng nông sản sang phát triển chuỗi giá trị ngành hàng để kịp thời bắt nhịp với xu thế phát triển của thị trường thế giới


* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước