“Đìu hiu” có lẽ là từ có thể diễn tả khung cảnh của những chợ hoa Tết những ngày qua. Đại dịch COVID-19 khiến cho người ta lo nghĩ tới cái ăn, cái uống trước tiên, rồi mới đến hoa lá bày trí cho nhà cửa ngày Tết. Chợ hoa đã thế, còn khi tìm về với những làng hoa nổi tiếng, các chủ vườn chỉ cười và bảo: “Tiền đâu mà ăn Tết!”.
“Tết này cũng hy vọng là Tết yên ả không COVID-19, Việt Nam dập được dịch rồi rất mừng. Thế nhưng mấy hôm nay lại cứ nghe thời sự nói COVID-19 nhiều. Bản thân chúng tôi còn mất cả ngủ", bà Phùng Thị Hằng, Thị trấn Như Quỳnh, Văn Lâm, Hưng Yên chia sẻ.
Thông thường vào thời điểm này mọi năm, các làng hoa nổi tiếng tất nập người mua người bán. Nhưng năm nay, ảnh hưởng dịch bệnh, hoa tại các làng bán hàng khó khăn.
Một cái Tết rất khác
Còn với nhiều người công nhân làm ăn xa xứ, vì cả năm mới có 1 ngày Tết cổ truyền và đó cũng chính là cơ hội nghỉ ngơi cho những người dân sau một năm đầy khó khăn. Trước mắt chúng ta đang là một cái Tết ấm áp, dù có nhiều gia đình sẽ không thể đoàn viên, đó là câu chuyện của nhiều công nhân làm xa nhà.
Khi mà người người nhà nhà đang hân hoan sắm sửa chuẩn bị đón Tết Tân Sửu 2021, dịch bệnh COVID-19 tái diễn trở lại, các yêu cầu giãn cách xã hội trở nên nghiêm ngặt. Nhiều người dân sẽ đón một cái Tết khác, có thể là trong khu cách ly, khi thực hiện giãn cách….
Tan giờ làm tại một xí nghiệp may, vợ chồng chị Thu thong thả mua thêm chút thực phẩm Tết ngay tại siêu thị tiện lợi cho công nhân trước cổng xí nghiệp, là đủ cho Tết năm nay. Tết nhà chị trong giai đoạn bình thường mới tiết kiệm hơn, bởi 2 vợ chồng chị không về quê ăn Tết mà ở tại Hà Nội để sẵn sàng phòng dịch.
"Nếu mà về quê ăn Tết mình cũng mua sắm thêm quần áo, đồ đạc, mua thêm 1 số đồ về cho gia đình 2 bên nhưng dịch bệnh như thế nao mình cũng không mua sắm gì nhiều. Công ty năm nào cũng hỗ trợ quà, đầy đủ nào từ mứt rượu, rồi các loại bánh kẹo nên mình cũng không phải mua sắm thêm gì nhiều hết. Mọi năm mình mua thêm cây quất hoặc cây đào nhưng năm nay mình cũng không mua nữa, vì nó cũng không cần thiết, chúng ta hạn chế gặp gỡ, giao lưu bạn bè", vhị Nguyễn Thị Thu, Công nhân Xí nghiệp Veston Hà Nội - Tổng Công ty May 10 cho biết.
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, dịch bệnh COVID-19 năm 2020 đã ảnh hưởng tiêu cực đến trên 31 triệu lao động như mất việc, giảm giờ làm, giảm thu nhập.... Việc dịch bệnh tiếp tục tái diễn khiến người dân chi tiêu thận trọng hơn, đặc biệt là lao động phổ thông.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!