Theo quy định hiện nay, nếu chủ đầu tư dự án không đưa đất vào sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục kể từ khi nhận bàn giao đất trên thực địa, thì sẽ được cho phép gia hạn sử dụng thêm 24 tháng. Sau thời gian đó, dự án sẽ bị xem xét thu hồi. Tuy nhiên việc thu hồi dự án bỏ hoang là một quá trình gian nan. Đặt biệt, có những dự án chủ đầu tư đã thế chấp đất vay vốn ngân hàng, hoặc huy động vốn, thu tiền từ khách hàng. Thậm chí, dự án thu hồi xong sẽ xử lý các bước tiếp theo như thế nào cũng là bài toán nan giải.
Ghi nhận tại dự án mới được thu hồi gần đây nhất tại Hà Nội, do dự án treo quá lâu, nhiều nhà dân đã lấn chiếm xây nhà tạm, nhiều vị trí thành bãi rác thải. Tuy nhiên, hiện nay, phường vẫn đang chờ các bước xử lý tiếp theo sau quyết định thu hồi giao đất của thành phố.
"Hiện người dân đã nắm được chủ trương của thành phố, nên dễ xảy ra tình trạng lợi dụng xây sửa trên khu đất. Địa phương sẽ kiến nghị lên UBND thành phố giao cho các nhà đầu tư khác thực hiện dự án", ông Nguyễn Khắc Hùng, cán bộ địa chính phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội, cho biết.
Mỗi dự án có một vướng mắc riêng cần có các phương án xử lý kịp thời.
Khi thu hồi dự án, các cơ quan chức năng phải tính toán phương án xử lý khoản tiền đã nộp như thế nào, trả lại cho các chủ đầu tư bao nhiêu. Đây là bước mất nhiều thời gian, đòi hỏi phải được các cơ quan có thẩm quyền xử lý nhanh.
Quỹ đất tại Hà Nội đang ngày càng eo hẹp. Đây cũng là một trong những lý do thúc đẩy thành phố mạnh tay thu hồi loạt dự án bỏ hoang. Tuy nhiên, mỗi dự án lại có một vướng mắc riêng cần có các phương án xử lý kịp thời.
Nhiều doanh nghiệp bất động sản trông đợi, đợt rà soát, thu hồi lần này của thành phố sẽ giúp xóa bỏ dự án treo, doanh nghiệp sẽ có thêm quỹ đất để triển khai loạt dự án mới. Người dân cũng không phải sống trong các ngôi nhà lụp xụp, mòn mỏi chờ đợi hết năm này tới năm khác.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!