Tốc độ phát triển của ngành du lịch nước ta thời gian gần đây đã kéo theo nhu cầu về nguồn nhân lực ngày càng tăng cao. Theo Tổng cục Du lịch, mỗi năm, toàn ngành cần thêm gần 40.000 lao động nhưng chỉ có khoảng 20.000 sinh viên chuyên ngành ra trường, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên. Quy mô, chất lượng nhân lực đang là vấn đề lớn bởi số lao động có chuyên môn, kỹ năng cao thiếu và yếu, trong khi số lao động chưa đáp ứng yêu cầu lại dư thừa.
Tại buổi học thực hành của sinh viên Đại học Hoa Sen theo chương trình liên kết đào tạo quốc tế với Vatel - tập đoàn hàng đầu thế giới về đào tạo, quản lý khách sạn và du lịch, 70% thời gian sinh viên được thực hành, với đội ngũ giảng viên đầu ngành trong và ngoài nước, giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Mỗi năm, khoa du lịch Đại học Hoa Sen đào tạo khoảng 2.000 sinh viên. Bên cạnh tăng cường thực hành, thực tập, đào tạo bằng tiếng Anh, trường hợp tác với nhiều tập đoàn quốc tế để trang bị thêm kỹ năng cho sinh viên và cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao.
Mô hình như ở Đại học Hoa Sen hiện chưa nhiều. Cả nước có tới gần 350 cơ sở đào tạo du lịch, nhưng nguồn nhân lực chất lượng cao, giỏi ngoại ngữ, kỹ năng đang thiếu và yếu. Nhiều doanh nghiệp du lịch lớn đã phải chi hàng tỷ đồng mỗi năm để đào tạo lại đội ngũ này.
Xếp thứ 3 trong top 10 nước có tốc độ tăng trưởng du lịch cao nhất thế giới nhưng năng suất lao động ngành này của Việt Nam chỉ bằng 1/15 của Singapore, 1/10 của Nhật Bản. Vì vậy, nâng cao chất lượng đào tạo mang ý nghĩa chiến lược trong việc khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam trong khu vực và thế giới.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!