Nâng cao hiệu quả khu kinh tế cửa khẩu ở phía Bắc

Ban Thời sự-Chủ nhật, ngày 02/10/2022 21:12 GMT+7

VTV.vn - Các khu kinh tế cửa khẩu phát triển tốt sẽ tạo điều kiện hình thành khu dân cư dọc biên giới, góp phần giao lưu kinh tế văn hóa, quốc phòng an ninh khu vực biên giới.

Thúc đẩy phát triển kinh tế vùng biên giới, nhằm tăng cường quan hệ hợp tác hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta. Sau hơn 20 năm xây dựng các khu kinh tế cửa khẩu tại 7 tỉnh Đông Bắc đã góp phần đẩy nhanh đô thị hóa, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng phát triển các ngành thương mại, dịch vụ, du lịch, công nghiệp.

Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa phát triển xứng tầm và cần có cơ chế đặc thù để phát triển hạ tầng, kết nối trong nước và quốc tế.

Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương, Lạng Sơn, có kế hoạch mở rộng bến bãi gấp 4 lần để nâng cao năng lực dịch vụ thương mại biên giới. Chính sách không COVID-19 của Trung Quốc khiến xuất nhập khẩu giảm mạnh và doanh nghiệp phải tạm dừng đầu tư.

Tiến độ phát triển hạ tầng Khu kinh tế cửa khẩu của Lạng Sơn cũng đang bị chậm dù tỉnh đã có nhiều giải pháp.

Nâng cao hiệu quả khu kinh tế cửa khẩu ở phía Bắc - Ảnh 1.

Xe hàng tại cửa khẩu Tân Thanh chuẩn bị xuất hàng sang Trung Quốc. (Ảnh: TTXVN)

"Chúng tôi cũng có lúng túng. Tuy nhiên UBND tỉnh, Ban Quản lý và các sở ngành đã có những hướng dẫn và chỉ đạo cụ thể nên chúng tôi cũng vượt qua những lúc khó khăn", ông Lương Xuân Bách, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương, Lạng Sơn, cho biết.

"Sẽ tham mưu để tạo môi trường thuận lợi thu hút đầu tư vào thông quan hàng hóa; đồng thời sẽ tham mưu tạo môi trường thông thoáng nhất nhằm đẩy mạnh xuất nhập khẩu hàng hóa qua địa bàn để phát huy lợi thế khu kinh tế cửa khẩu", ông Hoàng Khánh Duy, Phó Trưởng Ban Quản lý khu kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng, Lạng Sơn, nhấn mạnh.

Móng Cái là 1 trong 8 khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm của quốc gia. Hệ thống đường cao tốc đã kết nối các tỉnh Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, góp phần đẩy mạnh giao thương giữa Trung Quốc với các nước ASEAN.

"Thu hút được nhiều doanh nghiệp mới về đây làm thủ tục, tạo được nhiều việc làm cho bà con và tạo nguồn thu mới cho Móng Cái", ông Lê Thành Long, Chi cục Hải quan Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Quảng Ninh, thông tin.

Tuy nhiên, hiện công nghiệp trong các khu kinh tế cửa khẩu chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ trong khi dịch vụ và thương mại biên giới chiếm trên 70%. Nhu cầu đầu tư phát triển hạ tầng trong các khu kinh tế cửa khẩu rất lớn nhưng nguồn lực lại rất thiếu.

"Đang thiếu những nhà đầu tư chiến lược. Móng Cái đang kêu gọi các nhà đầu tư đầu tư ra Móng Cái. Thứ hai là thiếu cơ chế, đặc biệt là cơ chế về nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng", ông Hoàng Bá Nam, Bí thư Thành ủy Móng Cái, Quảng Ninh, cho hay.

Các khu kinh tế cửa khẩu phát triển tốt sẽ tạo điều kiện hình thành khu dân cư tập trung dọc biên giới, góp phần đẩy mạnh giao lưu kinh tế văn hóa, quốc phòng an ninh khu vực biên giới và thắt chặt tình hữu nghị giữa Việt Nam với các nước bạn.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước