Nâng cao hiệu quả quản lý thuế với thương mại điện tử

VTV Digital-Thứ ba, ngày 04/10/2022 10:37 GMT+7

VTV.vn - Thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 889 về nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế đối với hoạt động thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số. Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện các nhiệm vụ để việc quản lý thuế thương mại điện tử ngày càng tốt hơn.

Khi doanh thu lĩnh vực này ngày càng lớn, năm 2021 đạt tới 13,7 tỷ USD, tăng 16% so với năm 2020 và chiếm 6,5% tổng doanh thu bán lẻ cả nước. Thời gian qua, Bộ Tài chính cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử.

Cách đây 6 tháng, Tổng cục Thuế đã ra mắt "Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài". Đến nay, sau một thời gian dài được cơ quan thuế tuyên truyền và gửi thư ngỏ, đã có 36 nhà cung cấp nước ngoài, trong đó có 6 nhà cung cấp lớn gồm: Meta- Facebook , Google, Microsoft, Netfix, Tiktok và Apple, đã kê khai và nộp thuế với số tiền khoảng 1.000 tỷ đồng.

Kết quả này đã giúp Việt Nam là 1 trong 4 nước đi đầu trong khu vực ASEAN triển khai thu thuế đối với các nhà cung cấp nước ngoài thông qua cổng thông tin điện tử trực tuyến.

Nâng cao hiệu quả quản lý thuế với thương mại điện tử - Ảnh 1.

(Ảnh minh họa - Ảnh: NLĐ)

Mới đây, Bộ Tài chính cũng đề xuất trong tờ trình Chính phủ về việc sửa đổi một số điều của Nghị định 126, quy định các sàn thương mại điện tử phải kê khai, nộp thuế thay người bán. Đề xuất này được các chuyên gia đánh giá là phù hợp, bởi các sàn kê khai, thu thuế thay sẽ thuận tiện hơn nhiều so với việc hàng trăm nghìn cá nhân này tự đi kê khai, nộp thuế.

Đối với hàng hóa xuất nhập khẩu qua thương mại điện tử, Bộ Tài chính cũng dự thảo nghị định riêng, trong đó đề xuất sẽ có thủ tục hải quan riêng cho loại hàng hóa này, nhằm đẩy nhanh tốc độ thông quan hàng hóa và cũng nhằm ngăn chặn, gian lận về thuế.

Hiện nay theo quy định với một đơn hàng nhỏ vẫn phải thực hiện việc kê khai 1 tờ khai hải quan riêng. Tuy nhiên, theo dự thảo nghị định thì doanh nghiệp vận chuyển có thể thực hiện kê khai chung 1 tờ khai cho toàn bộ chuyến hàng với hàng nghìn đơn hàng nhỏ lẻ khác nhau.

Tờ khai hàng hóa nhập khẩu thông thường có tới 96 mục thông tin có thể phải khai báo thì theo dự thảo nghị định chỉ phải khai tối đa 25 nội dung. Dự thảo cũng quy định hàng hóa có giá trị từ 1 triệu đồng trở xuống được miễn giấy phép kiểm tra chuyên ngành.

Thông quan nhanh nhưng việc quản lý thuế vẫn chặt chẽ do trước khi hàng hóa được chuyển về, toàn bộ các thông tin về lô hàng đều đã được gửi đến hệ thống của cơ quan hải quan, để cơ quan này phân tích dữ liệu rủi ro trước, dễ dàng phát hiện được những lô hàng có dấu hiệu chia tách để trốn thuế.

Trong thời gian tới, các giải pháp tiếp theo để giúp nâng cao hiệu quả quản lý thuế đối với thương mại điện tử sẽ được các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai theo công điện của Thủ tướng. Với kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi cho thương mại điện tử phát triển nhưng việc quản lý thuế vẫn hiệu quả.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước