Đa số doanh nghiệp đạt thành tựu trong ngành Điện tử đều là doanh nghiệp FDI.
Tỉ lệ nội địa hóa thấp
Điện tử là một trong những ngành nền tảng của nền công nghiệp. Phát triển công nghiệp điện tử phải song hành, đi trước một bước nhằm tạo ra cầu, thúc đẩy ngành vi mạch bán dẫn phát triển. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế và cơ hội để phát triển ngành Điện tử.
Thời gian qua, ngành điện tử nước ta đã có những bước tiến vượt bậc, đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. "Đáng chú ý, các doanh nghiệp điện tử nước ta đã sản xuất được hầu hết các sản phẩm điện tử thiết yếu như điều hòa nhiệt độ, tivi, máy giặt, điện thoại, máy in… Các sản phẩm điện tử sản xuất trong nước đa dạng về chủng loại, màu sắc, mẫu mã, có chất lượng tốt, đáp ứng được phần lớn nhu cầu trong nước và đã xuất khẩu đi một số quốc gia trên thế giới", lãnh đạo Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết.
Theo thống kê của Bộ Công thương, một số sản phẩm công nghiệp hỗ trợ (CNHT) ngành điện tử từ đầu năm 2024 đến nay tăng trưởng khá tốt. Điển hình, trong 7 tháng năm 2024, bộ nguồn cấp điện liên tục (UPS) dùng cho các thiết bị xử lý dữ liệu tự động, máy phụ trợ của chúng và thiết bị viễn thông, tăng 23,3%; Bộ phận của máy tính, máy tính tiền, máy đóng dấu miễn cước bưu phí, máy bán vé và các máy tương tự, có gắn với bộ phận tính toán (trừ máy bán hàng, máy ATM và các máy tương tự), tăng 8,37%...
Doanh nghiệp nội địa mặc dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng các sản phẩm điện tử đa phần là lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu.
Tuy nhiên, theo đánh giá của chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, đa số doanh nghiệp đạt thành tựu trong ngành Điện tử đều là doanh nghiệp FDI. Hiện năng lực các doanh nghiệp nội địa trong ngành vẫn còn hạn chế, thương hiệu mờ nhạt và chỉ chiếm thị phần nhỏ. Thậm chí, tại thị trường "sân nhà" cho đến nay chủ yếu do các thương hiệu nước ngoài chiếm lĩnh.
Điều đáng nói hơn, tỉ lệ nội địa hóa ngành điện tử hiện nay chỉ khoảng 5-10%. Doanh nghiệp nội địa mặc dù đã nỗ lực rất nhiều nhưng các sản phẩm điện tử đa phần là lắp ráp trong nước bằng phần lớn các linh kiện nhập khẩu. Các doanh nghiệp Việt giường như chỉ mới cung cấp các sản phẩm đơn giản có giá trị, hàm lượng công nghệ thấp. Chính vì điều đó mà giá trị kinh tế đem lại vẫn chưa cao.
Lý giải về nguyên nhân, lãnh đạo Cục Công nghiệp cho rằng, do năng lực các doanh nghiệp nội địa còn nhiều hạn chế, đa số chỉ có quy mô nhỏ và vừa, nguồn lực đầu tư cho công nghệ còn ít, năng lực công nghệ hạn chế nên chất lượng sản phẩm chưa cao...
Còn theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm cũng như cơ sở kiểm định sản phẩm điện tử trong nước còn thiếu và yếu. Bên cạnh đó, bản thân các doanh nghiệp CNHT chưa phát triển, dẫn đến "đầu vào" cho doanh nghiệp bị hạn chế khiến năng lực tự chủ của ngành công nghiệp điện tử còn yếu ớt. Chúng ta vẫn phải phụ thuộc chủ yếu vào nguồn cung nguyên liệu và linh kiện từ nước ngoài. Mặt khác, sự liên kết giữa các doanh nghiệp cung ứng trong nước với các doanh nghiệp FDI còn mờ nhạt.
Giải pháp "nâng cấp" giá trị
Theo lãnh đạo Cục Công nghiệp, thời gian qua, Bộ Công thương đã triển khai nhiều chương trình hợp tác giữa doanh nghiệp nội và khối FDI. Các doanh nghiệp FDI đã có những chính sách nhất định nhằm hỗ trợ các nhà cung ứng nội địa gia nhập vào chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI. Tuy nhiên, rõ ràng kết quả đem lại chưa được như mong muốn, kỳ vọng.
Bàn về giải pháp để nâng cao năng lực cũng như giá trị cho ngành Điện tử, các chuyên gia đều nhất mạnh "con đường" hợp tác với khối doanh nghiệp FDI để chuyển giao về công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực...
Theo ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP. Hà Nội, Việt Nam cần có chính sách ưu đãi đầu tư để thu hút đầu tư xây dựng các trung tâm nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm, kiểm định trong lĩnh vực điện tử phục vụ các doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước trong việc nghiên cứu, phát triển, sản xuất thử, kiểm thử và kiểm định các sản phẩm điện tử. Đồng thời cần có chính sách ưu đãi đầu tư để khuyến khích, thu hút đầu tư vào sản xuất các sản phẩm CNHT ngành điện tử giúp đẩy nhanh việc khép kín chuỗi cung ứng trong nước, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh cho ngành này.
Bên cạnh đó, một yếu tố vô cùng quan trọng để nâng cao năng lực cho doanh nghiệp nội ngành điện tử là đầu tư về nguồn nhân lực. Hiện nhân lực ngành điện tử còn bất cập, không đáp ứng yêu cầu cả về số lượng và chất lượng. Nước ta thiếu trầm trọng nhân lực có kinh nghiệm nghiên cứu, thiết kế, thử nghiệm các sản phẩm điện tử phức tạp, có giá trị gia tăng cao, đạt quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc tế.
Còn theo ông Phong, Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ tín dụng, ưu đãi thuế...cho các doanh nghiệp nội, các doanh nghiệp CNHT của ngành Điện tử. Song song với đó, các bộ ngành liên quan cần có giải pháp thiết thực hỗ trợ triển khai các chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực công nghệ, chuyển giao công nghệ cho các doanh nghiệp trong nước trong lĩnh vực điện tử.
Mặt khác, chuyên gia cho rằng nước ta nên tiến hành một cuộc khảo sát, đánh giá, xếp hạng một số doanh nghiệp triển vọng trong lĩnh vực điện tử, sau đó tập trung hỗ trợ nhằm tạo cơ hội cho các doanh nghiệp này phát triển bứt phá, đóng vai trò dẫn dắt thị trường điện tử trong nước, đặc biệt là các sản phẩm điện - điện tử gia dụng.
Đặc biệt, theo nhiều chuyên gia, bản thân doanh nghiệp ngành điện tử cần nâng cao năng lực nội tại để có thể tham gia chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp FDI đầu chuỗi đang hoạt động tại Việt Nam. Các doanh nghiệp nên chủ động tìm kiếm, tăng cường tham gia các hoạt động, sự kiện kết nối kinh doanh để có thể tận dụng được những cơ hội kết nối với doanh nghiệp điện tử ở các nước phát triển như Mỹ, EU.../.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!