Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi vững chắc

Thuỳ Chi-Thứ ba, ngày 24/09/2024 08:44 GMT+7

Ảnh minh họa

VTV.vn - Động lực tăng trưởng cải thiện cả phía cung và cầu đã giúp nền kinh tế Việt Nam tiếp tục đà phục hồi vững chắc.

Xuất nhập khẩu vượt 70 tỷ USD trong 2 tháng liên tiếp

Nếu như mọi năm, tháng 4 – tháng 8 là mùa thấp điểm sản xuất đồ gỗ thì năm nay, Công ty Cổ phần Woodsland hoạt động không ngừng nghỉ để sẵn sàng cung ứng lượng lớn hàng đồ gỗ nội thất phục vụ cho mùa lễ hội cuối năm tại thị trường châu Âu, châu Mỹ. "Năm 2024, trung bình mỗi tháng chúng tôi xuất khẩu khoảng 250 container, cao hơn khoảng 20% so với năm 2023. Mức tăng trưởng này còn lớn hơn mục tiêu đặt ra từ đầu năm”, bà Lê Ngọc Mai, Trưởng phòng Kế hoạch, Công ty Cổ phần Woodsland cho biết.

Không chỉ có ngành gỗ đang về đích xuất khẩu đạt 14,2 tỷ USD, ngành dệt may cũng đang tiến dần tới mục tiêu 44 tỷ USD giá trị kim ngạch xuất khẩu. Nhiều ngành hàng khác như phần cứng, điện tử, máy móc cũng đều tăng trưởng ấn tượng.

“May 10 hiện đã có đơn hàng dệt may đến hết năm 2024. Hiện nay, xu thế đơn hàng đang dịch chuyển về Việt Nam, một số khách hàng có đề nghị đặt hàng với May 10. Tuy nhiên, May 10 có nhận đơn hàng mới cũng hạn chế vì các nhà máy hầu như đã có đơn hàng đến hết năm nay”, ông Bạch Hồng Long - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết. Ông cũng dự báo từ này đến cuối năm đơn hàng dệt may về Việt Nam sẽ tăng.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng gần đây (tháng 7 và 8/2024) đều vượt 70 tỷ USD/tháng. Trong đó, tháng 7 đạt 70,11 tỷ USD, tháng 8 đạt 70,65 tỷ USD. Điều đáng nói, năm 2022 là năm kỷ lục về xuất nhập khẩu, đạt 732 tỷ USD, nhưng chưa có tháng nào trong năm có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt tới 70 tỷ USD.

Sự phục hồi nhu cầu tiêu dùng tại các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam đưa xuất khẩu tháng 8 tiếp tục đạt con số kỷ lục 37,59 tỷ USD - cao nhất từ trước tới nay, vượt hơn 1 tỷ USD so với mức 36,24 tỷ USD của tháng 7.

Tính chung 8 tháng năm 2024, xuất khẩu hàng hóa đạt hơn 265 tỷ USD, tăng 15,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó có 30 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD (có 6 mặt hàng xuất khẩu trên 10 tỷ USD). Trong chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 246,02 tỷ USD trong 8 tháng (tăng 16,5%). Tính chung 8 tháng năm 2024, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 511,11 tỷ USD (tăng 16,7%).

Xuất khẩu các tháng đầu năm khả quan là nhờ hiệu quả của các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và tận dụng tốt những ưu đãi trong các FTA của cộng đồng doanh nghiệp: "Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội tăng trưởng xuất khẩu toàn cầu trong nửa đầu năm nay để tăng đơn hàng, nhất là ở các thị trường đối tác thương mại lớn. Sản lượng sản xuất công nghiệp Việt Nam tăng mạnh, đóng góp 1/4 tăng trưởng GDP, tỷ lệ thuận với sự phục hồi của xuất khẩu các mặt hàng chế biến chế tạo, điện điện tử, dệt may da giày”, bà Dorsati Madani - Chuyên gia Kinh tế cấp cao, Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam đánh giá.

Nền kinh tế tiếp tục đà phục hồi vững chắc - Ảnh 1.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy, giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu 2 tháng gần đây (tháng 7 và 8/2024) đều vượt 70 tỷ USD/tháng.

Động lực tăng trưởng cải thiện cả phía cung và cầu

Cùng với xuất nhập khẩu, động lực tăng trưởng cải thiện cả phía cung và cầu cũng là một điểm sáng đáng chú ý của nền kinh tế 8 tháng đầu năm.

Về phía cung, sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh; chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 9,5% so với cùng kỳ, 8 tháng tăng 8,6%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,7%. "Lĩnh vực chế biến chế tạo có mức tăng trưởng khoảng 10% và động lực chính hỗ trợ sự tăng trưởng cao này đến từ sự khởi sắc trong hoạt động xuất khẩu. Bên cạnh đó, sản xuất phân phối điện hay cung cấp nước đều ghi nhận mức tăng trưởng trên dưới 10%. Đây là hai lĩnh vực đầu vào của hầu hết hoạt động trong nền kinh tế. Khi các lĩnh vực này tăng trưởng cao đã phản ánh tiềm năng tăng trưởng của nền kinh tế trong thời gian tới", ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược Công ty Chứng khoán KB Việt Nam cho biết. 

Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) của ngành sản xuất Việt Nam đạt 52,4 điểm trong tháng 8, đây đã là tháng thứ 5 liên tiếp chỉ số này trên ngưỡng 50 điểm. Đáng nói, theo báo cáo của S&P Global công bố, cụ thể có hai điểm sáng lớn nhất chính là sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới liên tiếp được tăng đáng kể. 

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng 8, có khoảng 21.900 doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Tính chung 8 tháng có khoảng 168.100 doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (135.300 doanh nghiệp).

Về phía cầu, thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI) tiếp tục là điểm sáng, tổng vốn FDI đăng ký trong 8 tháng khoảng 20,5 tỷ USD, tăng 7,0% so với cùng kỳ. Trong đó, FDI đăng ký mới gần 12 tỷ USD, tăng 27%; vốn FDI thực hiện khoảng 14,15 tỷ USD, tăng 8%. Đây là số vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện cao nhất 8 tháng trong 5 năm qua.

"Việt Nam tiếp tục là điểm đến của các nhà đầu tư nước ngoài. Tỷ lệ tìm kiếm nhà xưởng, nhất là sự sẵn sàng về mặt bằng, hạ tầng, đi kèm với tiêu chuẩn xanh, tuần hoàn đang gia tăng tại khu công nghiệp của chúng tôi. Điều này cũng tỷ lệ thuận với vốn đầu tư thực hiện, giải ngân tại khu công nghiệp", Bruno Jaspert - Tổng Giám đốc Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C cho biết.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 4,148 triệu tỷ đồng trong 8 tháng đầu năm, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sức mua của nền kinh tế tiếp tục được phục hồi.

“Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm, bội chi ngân sách Nhà nước, nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài thấp hơn nhiều phạm vi cho phép”,Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Cùng chuyên mục

TIN MỚI

    X

    ĐANG PHÁT

    Bản tin thời tiết chào buổi sáng 3 phút trước