Giá cả tiêu dùng ở Nga đang tăng tốc. Theo Cơ quan Thống kê Liên bang Nga (Rosstat), kể từ đầu năm 2024 đến nay, giá trung bình hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tăng 3,8%. Giá của nhiều rau củ quả thiết yếu đã tăng từ 20 - 50% ngay trong tháng 6.
Số liệu của Bộ Kinh tế, Nga cho thấy lạm phát trong tuần đầu tháng 7 đã tăng lên 9,2%. Các chuyên gia của tờ Gazeta cảnh báo, lạm phát ở nước này có thể tăng lên tới hai con số - trên 10% trong tháng tới. Nguyên nhân được cho là do nhu cầu trong nước tăng cao, cho đến nay đã vượt xa khả năng mở rộng sản xuất.
Theo Báo Nga Rossiyskaya Gazeta, dữ liệu lạm phát mới cho thấy hầu như không có cơ hội để Ngân hàng Trung ương Nga tiến gần hơn đến mục tiêu lạm phát 4% nếu không có đợt tăng lãi suất chủ chốt mới. Lãi suất ở thời điểm hiện tại là 16%.
Khách hàng mua sắm ở một siêu thị tại thành phố Podolsk, gần Moscow, Nga. Ảnh: Shutterstock
Các chuyên gia kinh tế kêu gọi thắt chặt chính sách tiền tệ trong nửa cuối năm để đưa lạm phát về mục tiêu. Hầu hết cho rằng, việc tăng lãi suất cơ bản lên 18% là kịch bản có khả năng xảy ra nhất. Tại cuộc họp điều chỉnh lãi suất vào ngày 26/7 tới đây, Ngân hàng Trung ương Nga rất có thể sẽ phải điều chỉnh lại dự báo lạm phát năm nay, làm cơ sở cho tất cả các dự báo kinh tế vĩ mô.
Theo giới phân tích, về cơ bản, cơ quan quản lý phải ứng phó với tình trạng giá tăng, nhưng bên cạnh đó, nhiệm vụ của Ngân hàng Trung ương là bảo vệ tiền tiết kiệm của người dân khỏi lạm phát. Khối lượng tiền gửi của người Nga trong nửa đầu năm 2024 ước tính khoảng 50.000 tỷ Ruble (gần 570 tỷ USD).
Ngân hàng Trung ương Nga trước đó đã thể hiện rõ quan điểm để đạt được mức lạm phát mục tiêu, sẵn sàng giữ lãi suất cơ bản ở mức cao trong thời gian cần thiết. Theo nhiều chuyên gia, mức lạm phát mới buộc Nga phải duy trì chính sách thắt chặt tiền tệ trong thời gian dài hơn dự kiến.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!