Tăng trưởng tín dụng của các nhà băng thông thường sẽ đạt đỉnh vào tháng 12, tháng cuối cùng trong năm. Nhu cầu vốn của cả nền kinh tế đều lên cao, nhằm đáp ứng cho mùa sản xuất, kinh doanh, cũng như tiêu dùng dịp Tết.
11 tháng đầu năm, tốc độ tăng tín dụng của Ngân hàng TMCP HDBank đã đạt hơn 20% so với cuối năm 2019. Nằm trong nhóm 5 ngân hàng thương mại cổ phần có mức tăng tín dụng cao nhất hệ thống, ngân hàng này tự tin, có thể cán mốc tăng trưởng cho vay của cả năm ở mức 23,9%, như hạn mức đã được phê duyệt trước đó.
Hiện tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành đã đạt 8,46% so với cùng kỳ năm trước, tức chỉ trong tháng 11 đã tăng 1,75%, so với mức tăng 0,62% của tháng trước đó.
Dù lãi suất huy động hiện nay đã thấp hơn khoảng 2% so với đầu năm, nhưng tiền vẫn vào ngân hàng. (Ảnh minh họa: Dân trí)
Tín dụng được đẩy ra mạnh hơn, một phần quan trọng là "giá vốn" đã ở mức hợp lý, sau khi đã liên tục giảm kể từ đầu năm.
"Trong thời gian vừa qua, chúng tôi liên tục giảm lãi suất cho vay với khách hàng, với các khoản vay mới và khoản vay hiện hữu, mức độ từ 0,5 - 2%. Chúng tôi kỳ vọng chi phí đồng vốn của các ngân hàng trong việc huy động vốn sẽ ở tốc độ thấp, giúp chúng tôi có thể giảm thêm lãi suất cho vay", ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP VIB, cho biết.
Dù lãi suất huy động hiện nay đã thấp hơn khoảng 2% so với đầu năm, nhưng tiền vẫn vào ngân hàng. Nhiều nhà băng, tăng trưởng huy động lên tới trên 30%.
Kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp đã có sự khởi sắc. Ngân hàng tự tin hơn trong việc giải ngân. Mức tăng tín dụng 10% của toàn ngành cho năm nay được đánh giá là không quá thách thức để về đích.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!