Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh yêu cầu các tổ chức tín dụng trên địa bàn giữ nguyên mức lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia bình ổn thị trường.
Chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao đang gây áp lực rất lớn tới doanh nghiệp bình ổn. Để giữ giá rẻ hơn thị trường từ 3.000 - 5.000 đồng/chục trứng, doanh nghiệp đã phải cắt giảm nhiều chi phí như bao bì, marketing… và tạm hoãn kế hoạch mở rộng sản xuất. Với sự hỗ trợ các gói vay ưu đãi với lãi suất tốt, doanh nghiệp cho biết, sẽ yên tâm hơn để sản xuất và giữ giá trong bối cảnh khó khăn hiện nay.
"Việc giữ ổn định giá cả trong giai đoạn này cực kỳ khó khăn. Chính sách giữ lãi suất sẽ giúp chúng tôi giảm được chi phí, qua đó giữ được giá bình ổn", ông Trương Chí Thiện, Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt, cho biết.
Chi phí đầu vào tiếp tục tăng cao đang gây áp lực rất lớn tới doanh nghiệp bình ổn. (Ảnh minh họa - Ảnh: PLO)
"Sau đại dịch, hầu hết các doanh nghiệp đều gặp khó khăn nên cũng đang trong quá trình tái sản xuất và thương mại. Với chính sách lãi suất không tăng sẽ đỡ rất nhiều cho doanh nghiệp. Với lãi suất không tăng như vậy, chúng tôi sẽ xem xét để có thể mở rộng sản xuất", ông Nguyễn Doãn San, Phó Tổng Giám đốc Công ty thực phẩm San Hà, chia sẻ.
Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh TP Hồ Chí Minh cho biết, các chương trình đồng hành cùng doanh nghiệp sản xuất sẽ tiếp tục được đẩy mạnh trong giai đoạn này. Doanh nghiệp bình ổn thị trường được vay vốn lãi suất thấp hơn so với lãi suất thương mại trên thị trường.
"Vì lãi suất ảnh hưởng đến cấu thành giá sản phẩm. Giữ được ổn định lãi suất sẽ hỗ trợ giúp doanh nghiệp ổn định giá thành, ổn định giá bán và có tác động tốt cho thị trường. Các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã có gắn kết, quan hệ với các doanh nghiệp bình ổn rất tốt. Thậm chí, một số tổ chức tín dụng đã cho vay với mức lãi suất thấp hơn so với thị trường", ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, cho hay.
Theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Thành phố, dư nợ cho vay bình ổn thị trường của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến nay đạt khoảng hơn 2.100 tỷ đồng, với 35 doanh nghiệp bình ổn. Các tổ chức tín dụng tham gia chương trình bình ổn thị trường được xác định là nhiệm vụ quan trọng để thực hiện Chương trình phục hồi kinh tế thành phố.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!