Đề xuất trên cũng cho thấy khả năng chống chịu của doanh nghiệp đang ngày càng yếu, theo tờ Đầu tư.
Hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại TP Hồ Chí Minh đang trong tình cảnh hết sức nan giải: doanh thu không có, nhưng vẫn phải trả tiền lãi vay, tiền thuê mặt bằng, trả lương lao động… nên rất cấp bách phải "bơm máu" cho doanh nghiệp. Nếu không có tín dụng, doanh nghiệp sẽ đứng trước bờ vực phá sản, các chính sách hỗ trợ khác chỉ là giải pháp cấp cứu tạm thời.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, trong bối cảnh lãi suất cho vay khó có thể giảm thêm, giải pháp khả thi nhất là Ngân hàng Nhà nước phải đứng ra huy động các ngân hàng thương mại cổ phần lập ra một "tổ hợp tín dụng" cung cấp gói cho vay 300.000 tỷ đồng với các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo đó, mỗi ngân hàng phải trích 3% tổng dư nợ tín dụng tham gia gói hỗ trợ này (nguồn cho vay là từ tiền gửi không kỳ hạn).
Nhiều doanh nghiệp ngành vận tải, du lịch… đề nghị vay với lãi suất 0 - 2%/năm. (Ảnh minh họa: Báo Đầu tư)
Các doanh nghiệp được vay tín chấp tuần hoàn 2 năm đầu và trả dần trong 3 năm tiếp theo với lãi suất thấp, chỉ 3,5%/năm. Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa với quy mô 30.000 tỷ đồng được phép bảo lãnh gấp 10 lần vốn tự có phải đứng ra bảo lãnh cho các ngân hàng để ngân hàng yên tâm cho doanh nghiệp vay.
Đường bay vàng, hàng không Việt Nam trượt dốc sau đợt dịch thứ 4
Đường bay TP Hồ Chí Minh - Hà Nội đã rớt từ hạng 2 xuống hạng 5 trong tháng 7/2021 trong bảng xếp hạng các đường bay bận rộn nhất thế giới của hãng dữ liệu hàng không OAG. Bên cạnh đó, thị trường hàng không Việt Nam cũng lọt khỏi top 20 các thị trường hàng không lớn nhất thế giới sau khi năng lực bị giảm hơn 30% chỉ trong tuần đầu tháng 7.
Thesaigontimes dẫn thống kê đường bay Seoul - Jeju vẫn giữ được ngôi vị quán quân trong tháng 7 với hơn 1,62 triệu chỗ. Đây là đường bay giữ hạng nhất trong suốt nhiều năm liền, mặc cho mọi ảnh hưởng của dịch bệnh trong trong hơn 18 tháng qua.
Chiến lược kiểm soát dịch linh động của Jeju là yếu tố quan trọng nhất giúp tuyến bay Seoul - Jeju luôn đứng đầu trong suốt 18 tháng dịch bùng phát. Hòn đảo này đã không "bế" khách đi cách ly trong dịp dịch bùng phát vào mùa đông trong tháng 11/2020 và cả trong dịp Tết 2021.
Hành khách làm thủ tục tại sân bay Nội Bài trong dịp lễ 30/4. Số hành khách trung bình mỗi ngày dịp này đạt 80.000 lượt khách, tăng 40% so với dịp lễ năm 2019 trước dịch. (Ảnh: thesaigontimes)
Dự báo nhu cầu khách và có quyết định phân bổ đều lượng khách trong các ngày bằng các kế hoạch bay hợp lý là các yếu tố quan trọng hàng đầu, bên cạnh đó là ứng dụng công nghệ trong quản lý ca bệnh mới, cảnh báo nguy cơ lây nhiễm.
RCEP có như kỳ vọng?
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do thế hệ mới do ASEAN khởi xướng và dẫn dắt, được kỳ vọng sẽ mang lại nguồn động lực to lớn để xuất khẩu tiếp tục gặt hái những thành công vang dội như trong thập kỷ trước.
Dù RCEP chưa có hiệu lực thi hành, nhưng những số liệu thống kê xuất nhập khẩu cho tới thời điểm này lại cho thấy triển vọng của Hiệp định này gần như ngược lại so với kỳ vọng nói trên.
Trong tổng mức tăng xuất khẩu xấp xỉ 31 tỷ USD ra thị trường thế giới trong 5 tháng vừa qua so với cùng kỳ, xuất khẩu sang các đối tác RCEP chỉ tăng 8,54 tỷ USD, chiếm 27,6%; trong khi nhập khẩu tăng tới 27,1 tỷ USD, chiếm tới 76,7%.
Cũng chính do sự lệch tốc này, nhập siêu từ khu vực thị trường này vốn đã "khủng" lại tiếp tục tăng "khủng" lên, cùng với đó là nỗi ám ảnh phụ thuộc nhập khẩu từ một số thị trường lại kéo dài. Bài viết "RCEP có như kỳ vọng" trên tờ Diễn đàn Doanh nghiệp.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!