Chỉ trong vòng 3 năm gần đây, thêm 9 chi nhánh, ngân hàng 100% vốn nước ngoài được cấp giấy phép hoạt động tại Việt Nam, tăng gần 20%.
Cứ 10 chi nhánh ngân hàng Hàn Quốc ở nước ngoài, có 1 chi nhánh đặt tại Việt Nam. Với số lượng tăng lên nhanh chóng trong một vài năm gần đây, sự hấp dẫn của lĩnh vực ngân hàng Việt Nam đã thu hút một loạt ngân hàng lớn từ Hàn Quốc mở rộng hoạt động như: ShinhanBank, Woori, Industrial Bank of Korea và sắp tới đây có thể là KEB Hana với thương vụ mua lại cổ phần của BIDV.
Thậm chí, ShinhanBank - ngân hàng 100% vốn Hàn Quốc - đã vượt qua HSBC, trở thành ngân hàng nước ngoài lớn nhất Việt Nam với 3,3 tỷ USD tài sản.
Tổng tài sản của riêng các ngân hàng Hàn Quốc đã tăng 18,9% trong năm 2017, tương đương 5,7 tỷ USD. Trong khi tỷ lệ bình quân của các ngân hàng nước ngoài khác là 12,9%, tương đương 42 tỷ USD. Lợi nhuận ròng của các ngân hàng Hàn Quốc cũng tăng tới 28,9%.
Mức tăng trưởng quá hấp dẫn đã khiến nhiều tập đoàn tài chính của Hàn Quốc đưa Việt Nam trở thành thị trường quan trọng thứ 2, sau thị trường nội địa.
Trong bối cảnh các ngân hàng toàn cầu phải tuân theo những tiêu chuẩn khá khắt khe và có xu hướng chọn lọc khách hàng kỹ càng hơn, các ngân hàng khu vực lại có lợi thế hơn trong việc tăng trưởng.
Tuy nhiên, suốt 10 năm qua, thị phần các ngân hàng ngoại tại Việt Nam vẫn chỉ quanh ngưỡng 10% và tỷ lệ này sẽ khó thay đổi trong ngắn hạn.
Thế yếu của các ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài là không có hệ thống chi nhánh, phòng giao dịch rộng rãi như những ngân hàng nội. Thế nhưng theo các chuyên gia, đây có thể là thế mạnh của nhóm này trong một tương lai gần, khi họ có lợi thế về công nghệ để tiếp cận các khách hàng trẻ, có xu hướng chuộng giao dịch ngân hàng trên nền tảng số, thay vì bỏ ra số tiền lớn để mở các phòng giao dịch truyền thống.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online!